Thủ phạm gây ung thư da

  •  
  • 279

Tiếp xúc nhiều với nắng mặt trời, bức xạ, hóa chất độc hại,  lạm dụng mỹ phẩm... làm tăng nguy cơ ung thư da.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM nêu ra một số yếu tố nguy cơ gây ung thư da.

Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời

Dành nhiều thời gian hoạt động dưới ánh mặt trời, đặc biệt khi da không được bảo vệ bằng kem chống nắng hoặc quần áo bảo hộ sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư da.

Những người sống ở nơi có khí hậu ấm áp hoặc vùng cao, nơi ánh sáng mặt trời mạnh nhất cũng tiếp xúc với nhiều bức xạ và dễ mắc ung thư da hơn.

Tiếp xúc nhiều với bức xạ mặt trời tăng nguy cơ ung thư da.
Tiếp xúc nhiều với bức xạ mặt trời tăng nguy cơ ung thư da. (Ảnh: Skin Cancer Foundation).

Có nhiều nốt ruồi, nốt ruồi bất thường

Các nốt ruồi sẽ xuất hiện từ khi còn rất nhỏ tuổi, là do các tế bào sắc tố da sẫm màu phát triển thành nhóm. Đây là một yếu tố mang tính di truyền. Tuy nhiên việc thường xuyên để da tiếp xúc với ánh nắng cũng là nguyên nhân hình thành các nốt ruồi, tàn nhang, đốm nâu.

Người nhiều nốt ruồi hoặc nốt ruồi bất thường có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao hơn. Những nốt ruồi bất thường lớn hơn so với nốt ruồi bình thường, có nhiều khả năng trở thành ung thư. Nếu có nốt ruồi bất thường hãy theo dõi chúng thường xuyên và thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán.

Màu da

Bất cứ ai, bất kể màu da, đều có thể bị ung thư da. Tuy nhiên người ít sắc tố (melanin) trong da sẽ khiến da ít được bảo vệ khỏi tia UV gây hại. Người tóc vàng hoặc tóc đỏ, mắt màu sáng, tàn nhang... có nhiều nguy cơ mắc ung thư da hơn người có làn da sẫm màu.

Tiền sử cá nhân, bệnh sử gia đình

Nếu cha mẹ hoặc anh chị em đã bị ung thư da, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác. Nếu đã mắc ung thư da một lần, bạn có nguy cơ mắc bệnh một lần nữa.

Hệ miễn dịch bị suy yếu

Người hệ miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ phát triển ung thư da, bao gồm những người bị nhiễm HIV/AIDS và những người dùng thuốc ức chế miễn dịch sau khi ghép tạng.

Lạm dụng mỹ phẩm

Các nhà khoa học phát hiện ra trong mỹ phẩm chứa một hàm lượng lớn những chất tiềm ẩn nguy cơ ung thư như Stearic acid, Mineral oil, PEG-100 stearate, Methylparaben, Propylparaben, Fragrance, Methol... Khi sử dụng mỹ phẩm, những chất này sẽ thấm trực tiếp vào da làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tiếp xúc với bức xạ, hóa chất độc hại

Những người phải điều trị bức xạ có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao hơn, cụ thể là ung thư biểu mô tế bào đáy.

Tiếp xúc nhiều với tia X hay tiếp xúc với hóa chất độc hại, có thể nhiễm độc arsenic (thạch tín) mạn tính gây các bệnh ngoài da như biến đổi sắc tố, sạm da, sừng hóa, ung thư da...

Nhiễm virus HPV

Hiện có hơn 150 chủng vius HPV, nhiều nhất được biết đến là qua đường tình dục, gây ra ung thư cổ tử cung và những mụn cóc dưới da. Virus này có thể lây lan qua da nếu bạn tiếp xúc với ai đó bị mụn cóc. Một nghiên cứu tại Đại học Y khoa Dartmouth (Mỹ) cho thấy nhiễm trùng da HPV làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da như biểu mô tế bào tróc vảy và sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Tuổi

Đàn ông trên 50 tuổi có nhiều nguy cơ bị ung thư da.

Phòng tránh ung thư da

Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng 10h sáng đến 3h chiều.

Sử dụng kem chống nắng thường xuyên, che chắn làn da khi ra ngoài trời nắng.

Nên kiểm tra làn da thường xuyên. Khi thấy có các dấu hiệu như có nốt ruồi bị đau, xuất huyết, thay đổi kích thước nhanh chóng, xuất hiện vùng da bất thường, biến đổi màu sắc... cần tới ngay cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để thăm khám.

Cập nhật: 27/11/2019 Theo VnExpress
  • 279