Gần đây Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) có đưa ra môt số chủ trương đổi mới quản lý khoa học và công nghệ, đặc biệt là đề án “chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, giai đoạn 2006-2010”.
|
GS Hoàng Tụy. (Ảnh: Nguyên Vũ) |
Cũng như đối với mọi chủ trương mới ở thời kỳ chuyển đổi này, bên cạnh những ý kiến hoan nghênh cũng có những ý kiến còn phân vân. Đó là việc bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, vừa qua trên diễn đàn
www.most.gov.vn/fa_news, lãnh đạo Bộ KHCN đã có phản ứng gay gắt không bình thường đối với những ý kiến không hợp ý mình.
Bày tỏ sự bức xúc, GS Hoàng Tụy gửi cho
VietNamNet những suy nghĩ xung quanh các chính sách khoa học hiện hành. Dưới đây là nội dung bài viết.
Phát triển khoa học, công nghệ cùng với giáo dục đã từng được trịnh trọng nêu lên là quốc sách hàng đầu, song cho đến nay khoa học, công nghệ vẫn chưa thật sự khởi sắc. Phải chăng vì đầu tư chưa đủ mức, vì đội ngũ khoa học, công nghệ của ta quá yếu kém, hay vì nguyên nhân gì khác ? Câu hỏi này đã từng đặt ra nhiều lần. Và cũng đã nhiều lần các cơ quan quản lý nhận định đúng đắn rằng nguyên nhân quan trọng nhất, nếu không nói chủ yếu, là
thiếu chính sách thích hợp để động viên và phát huy tiềm năng của đội ngũ khoa học. Tiếc thay, chúng ta thường chỉ nhận định xong rồi để đó, vài năm sau lại lặp lại y như trước, làm mất hết lòng tin của những người thiết tha với sự nghiệp. Lần gần đây nhất là năm 2001, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ Tướng, nhiều người đã góp những ý kiến rất chân thành, tha thiết, mà rồi, cũng như các lần khác, mọi ý kiến tiếp tục chìm trong im lặng, ngoại trừ Nhà Nước tốn thêm mấy trăm triệu chi cho các cơ quan “nghiên cứu cơ chế chính sách” để sản xuất thêm một số kiến nghị đút vào ngăn kéo vốn đã đầy ắp những văn kiện tương tự. Mong rằng lần này, với áp lực hội nhập,
chúng ta sẽ làm việc nghiêm túc hơn, trung thực, thẳng thắn và kỹ càng hơn, để có những hành động thiết thực, tạo được chuyển biến thật sự, gây lòng tin đã được chờ đợi từ quá lâu rồi.
"Có thực mới vực được đạo" Trong giáo dục đã từng có ý kiến đổ lỗi những sự trì trệ, bê bối cho sự yếu kém của đội ngũ giáo viên. Trong khoa học chúng ta cũng thường được nghe những ý kiến chê trách đội ngũ khoa học. Của đáng tội, bệnh hám danh, cơ hội, chạy theo chức tước địa vị, đố kỵ, kém ý thức hợp tác, v.v., khá phổ biến trong giới khoa học. Song theo tôi, cần lật ngứợc lại cách suy nghĩ để thấy rằng một phần khá lớn những yếu kém đó chẳng qua cũng chỉ là hậu quả tất yếu của những bất cập, hư hỏng, kéo dài hàng chục năm nay của bộ máy quản lý, không chỉ thiếu tầm, mà thiếu cả tâm, và không phải chỉ từ cấp thừa hành mà từ cấp cao.
Nói gì thì nói, xây dựng chính sách khoa học phải nhằm mục tiêu phát huy tối đa năng lực khoa học của đất nước, làm sao cho hiệu suất lao động khoa học đạt mức cao nhất có thể được. Muốn vậy, cần hiểu đúng một số đặc thù của lọai lao động này, các nhu cầu vật chất, tinh thần, cần đáp ứng để nhà khoa học có thể làm việc hết sức mình và cống hiến.
Trước hết là
lương và thu nhập thực tế, vì có thực mới vực được đạo, như ta thường nói.
Cách đây không lâu, nhân giải thich những tiêu cực nghiêm trọng trong ngành đăng kiểm vừa bị báo chí phanh phui, một quan chức phàn nàn rằng lương trung bình một nhân viên đăng kiểm chỉ khoảng 3 triệu/tháng là quá thấp. Thật lạ lùng, trong lúc đó, lương một giáo sư giỏi đại học chỉ hai triệu/tháng mà rất ít thấy vị lãnh đạo nào xót xa, mặc dù đã bao lần bàn thảo về các biện pháp và chiến lược phát triển khoa học và giáo dục.
Từ lâu các nhà khoa học đã được bảo: Nhà Nước chỉ đủ tiền trả lương chừng ấy, các anh hãy tự xoay xở ! Và thực tế, sau mấy năm, họ cũng tự xoay xở được cả, đến nay phần đông có mức sống chẳng đến nỗi nào, một số còn giàu lên, thu nhập phụ hàng tháng lên tới hàng chục triệu, đâu kém gì mức trần 1000-2000 USD do Bộ KH và CN đề nghị cho những nhà khoa học “xuất sắc” đảm nhận nhiệm vụ quốc gia !
Chỉ có điều
mức thu nhập phụ đó ở đâu ra, phải trả bằng những giá nào cho khoa học, giáo dục và kinh tế, thì các Bộ Tài Chính, Nội vụ, Giáo dục, và Khoa học nên suy nghĩ có trách nhiệm hơn.
Với cách trả lương kỳ quặc này, nhà khoa học chỉ có thể dùng một phần nhỏ thời gian và tâm trí để làm khoa học theo đúng trách nhiệm, còn lại phải làm những việc khác, tuy không đúng với năng lực, sở trường và trách nhiệm, nhưng đem lại phần lớn thu nhập cho họ.
Rốt cuộc, tổng số tiền của xã hội đầu tư cho khoa học dù còn ít nhưng không nhỏ đối với chúng ta (kể cả công quỹ và mọi nguồn khác), thế mà sau hàng chục năm, khoa học vẫn còi cọc, nhiều ngành
cứ lịm dần, chờ ngày bị xóa sổ nếu không được hồi sức kịp thời. Chỉ xin nêu ra một vài ngành khoa học cơ bản: không kể một số ít giáo sư trình độ cao, nhưng tuổi còn cao hơn, và một số ít người trẻ tài năng còn làm việc trong nước, thì còn gì ? Dăm năm nữa số đầu bạc nghỉ hẳn, hoặc nằm xuống hoặc đuối sức, còn số trẻ giỏi thì tiếp tục tìm đường đi ra, trong lúc đó, với cơ chế quản lý này, rất ít người trẻ đã thành tài ở nước ngoài muốn trở về nước làm việc. Đến khi ấy, tuổi trung bình của các nhà khoa học đang thật sự hoạt động trong các ngành này sẽ là bao nhiêu ? 65 ? 70 ? Đó có phải là chết lịm dần hay không ?
Nhưng cái hại của chính sách lương sai lầm không phải chỉ có thế. Nếu trong toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước nó là nguyên nhân cơ bản sản sinh ra và nuôi dưỡng tham nhũng tràn lan, thì trong khoa học nó tác động nặng nề đến tính trung thực, khiến sự gian dối, làm láo báo cáo hay, hoặc như báo Lao Động đã có lần viết, “treo đầu dê bán thịt chó”, không phải chuyện hiếm trong làng khoa học.
Trên một nền tảng đạo đức học thuật như vậy mà số tiến sĩ, “viện sĩ” dỏm mỗi năm đều tăng với một mức không có nước nào trong khu vực bì kịp thì thử hỏi sự ô nhiễm môi trường khoa học nguy hiểm đến đâu. Khi sự gian dối đã len vào mọi hoạt động khoa học và giáo dục thì nó có nguy cơ biến thành một nếp sống, một nét văn hóa phổ biến cực kỳ xấu xa của xã hội.
Vì vậy để có chuyển biến thật sự chẳng những trong khoa học, công nghệ mà trong nhiều ngành quan trọng khác nữa,
vấn đề cấp bách, vấn đề của mọi vấn đề, là cần
giải quyết thỏa đáng chế độ lương cho nhà khoa học, để họ không phải kiếm sống bằng những công việc khác, mà có thể dành hết tâm trí cho khoa học. Nhiều quan chức nói rằng điều này không khả thi vì chỉ muốn nâng lương cho mỗi nhà khoa học vài triệu đồng/tháng thôi cũng đã vượt quá khả năng của ngân sách. Song không phải như vậy. Một bài nghiên cứu của TS Vũ Quang Việt đăng trên VietNamnet cách đây không lâu về những con số giật mình trong các chi tiêu giáo dục, đã chứng minh điều ngược lại.
Điều kiện và môi trường làm việc: Bệ phóng cho nhà khoa học Tuy nhiên, lương, dù cấp bách đến đâu cũng chưa phải là tất cả vấn đề. Kinh nghiệm cho thấy Kuwait, Brunei, hay một số nước giàu có khác, trả lương rất cao mà khoa học của họ có ra gì. Ngay trong nước ta, chính sách “chiêu hiền đãi sĩ “ của một số địa phương đưa ra mấy năm qua cũng chỉ để tuyên truyền nhiều hơn chứ đã có mấy kết quả thiết thực.
Ai dấn thân vào khoa học đều hiểu rằng đây không phải là nghề để làm giàu. Một phát minh khoa học thường phải có thời gian mới thấy hết lợi ích của nó, hơn nữa do những tương quan liên ngành chằng chịt trong khoa học và công nghệ ngày nay, không phải lúc nào cũng có thể đánh giá dễ dàng lợi ích trực tiếp của một ngành khoa học riêng lẻ hay một phát minh khoa học riêng lẻ đối với sản xuất và đời sống. Trái lại, một quyết định sáng suốt của nhà quản lý giỏi có thể đem lại hàng tỉ đô la lãi cho công ty trong thời gian ngắn, hoặc một sáng kiến kỹ thuật cũng có thể làm lợi ngay được hàng triệu đô la. Vì thế, dễ hiểu rằng ở các nước tiên tiến lương của tổng giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị các công ty lớn thường cao hơn nhiều lần lương các bác học lớn. Song điều đó hoàn toàn không có nghĩa xã hội đánh giá thấp sự đóng góp của nhà khoa học, mà chẳng qua chỉ phản ảnh một đặc thù của hoạt động khoa học.
Nhà khoa học cần mức lương thỏa đáng, là để bảo đảm một mức sống tương đối, chứ không ai nghĩ đến mấy chục triệu hay mấy trăm triệu như giám đốc nhiều doanh nghiệp nhà nước, mà món nợ khổng lồ có lẽ sẽ còn đè nặng lên vai con cháu chúng ta nhiều thế hệ nữa. Cho nên vấn đề lương cho nhà khoa học không phải quá khó, nếu cơ quan quản lý thật sự quan tâm. Điều khó hơn nhưng lâu nay ít được chú ý là trên cơ sở
đồng lương thỏa đáng còn cần phải bảo
đảm những điều kiện, và môi trường làm việc thích hợpthì mới thật sự khuyến khích được lao động khoa học.
Đam mê của nhà khoa học, niềm vui của họ, là sáng tạo, muốn phát huy tối đa năng lực sáng tạo đó họ cần lương đủ để dành trọn thì giờ làm việc. Nhưng đồng thời để làm việc có hiệu quả họ còn cần chỗ làm việc đủ tiện nghi tối thiểu, cần phương tiện làm việc thuận tiện (phòng thí nghiệm, thư viện, internet, thông tin, liên lạc), cần hậu cần khoa học tốt (hỗ trợ các việc văn phòng), v.v. , cần sự thông cảm, ủng hộ và tôn trọng của xã hội và các cơ quan quản lý, cần có bạn bè, đồng nghiệp, học trò, và bầu không khí sinh hoạt học thuật dân chủ, phóng khoáng, lành mạnh, khuyến khích sự trao đổi bình đẳng giữa các ý kiến khác nhau, v.v. Chỉ với những điều kiện và một môi trường như thế mới hy vọng có nhiều nhà khoa học làm việc ngày đêm, lăn xả vào những nhiệm vụ khó khăn nhất, như thường thấy ở các trung tâm khoa học lớn trên thế giới.
Một chính sách khoa học không chú ý đầy đủ các đặc thù nói trên dễ phạm sai lầm ấu trĩ và bất cập. Chẳng hạn, vì không hiểu cơ chế tác động qua lại phức tạp giữa khoa học và thực tiễn nên khi thì đòi hỏi máy móc mọi công trình khoa học phải có ứng dụng ngay vào đời sống và sản xuất, khi khác lại tôn vinh những giá trị khoa học vu vơ, khuyến khích tâm lý chạy theo danh hão rất nặng nề (và khá tốn kém, vì những danh hão ấy đều mua bằng ngoại tệ). Cũng vì không chú ý các đặc thù của khoa học nên một mặt coi thường lương, mặt khác cho phép sử dụng phần lớn kinh phí cấp phát cho các đề tài khoa học để bổ sung thu nhập, mà việc duyệt và nghiệm thu đề tài lại rất tùy tiện, hình thức, không khuyến khích tài năng mà chỉ kích thích các hoạt động tiêu cực. Tiền lương đã thế, còn chỗ làm việc thì theo quy định của Bộ tài chính giáo sư không có buồng làm việc riêng, ít ra phải nhiều năm nữa mới được chỗ làm việc 6m2/người, không bằng không gian cho một phó phòng hành chính cấp thấp hiện nay; một giờ giảng của giáo sư được trả 12000đ, còn một giờ giảng của Thứ bộ trưởng, bất cứ trình độ nào, cũng được trả 15000đ. Dù đây chỉ là những quy định hình thức vớ vẩn nhưng cũng đủ phản ảnh khá rõ mức độ tôn trọng của các cơ quan nhà nước đối với khoa học như thế nào.
Với những điều kiện và môi trường như vậy, lương có cao bao nhiêu cũng khó thu hút được các nhà khoa học giỏi. Cho nên, trong buổi làm việc hồi tháng 9 với Thủ Tướng tôi có nói: nhà khoa học cần lương, nhưng cái cần hơn nữa là điều kiện và môi trường làm việc.
Thưa Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ! Thật đáng kinh ngạc, một điều đơn giản như thế mà ông Bộ trưởng KH và CN cũng không hiểu nổi, khi ông nói:
Đừng tin những nhà khoa học nói không cần tiền, họ nói thế là không thật lòng (giả dối !), không thực sự cầu thị; tại sao “khinh” tiền, đồng tiền của người dân, người ta làm “đổ mồ hôi sôi nước mắt” ! Ôi giá như đây là điều tâm niệm của các quan chức như ông Bộ trưởng thì đâu đến nỗi lương một giáo sư chỉ có vài triệu/tháng, và hôm nay chúng ta đâu phải nhắc nhở nhau nhớ tới đồng tiền của dân để bàn về cái đề án đấu thầu đề tài khoa học mà hễ ai “chê” thì hẳn là người có tư duy cổ hủ !
Thưa ông Bộ trưởng, trong quản lý kinh tế, chúng ta đã (và đang) trả giá đắt cho hàng trăm doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ bạc tỉ mà giám đốc vẫn hưởng lương cao ngất ngưởng, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Các doanh nghiệp ấy đều do Nhà Nước lập ra và “chọn mặt gửi vàng” để giao quyền quản lý trọn gói cho các giám đốc. Họ cũng được bảo: cái gì cần tiêu cứ tiêu thoải mái, Nhà Nước chỉ quan tâm kết quả; còn các dự án phải đấu thầu nghiêm chỉnh. Thế nhưng việc gì đã xảy ra ở công ty dầu khí, PMU 18, v.v. ông có biết không ? Ông có bảo đảm rằng các cơ quan khoa học mà trong quá khứ không thiếu tiếng này điều kia sẽ hoàn toàn trong sạch khi ông phụ trách ?
Với thiện chí tôi có thể tin được lời hứa tốt đẹp, song kinh nghiệm các xã hội văn minh đều cho thấy
tránh sự cám dỗ vẫn an toàn hơn là đương đầu với nó. Vậy có nên bê cách quản lý tập trung quan liêu vào khoa học không ?
Thật trớ trêu, trong lúc chúng ta đang cần thoát ra khỏi cái ách quản lý tập trung quan liêu, chẳng lẽ riêng ngành quản lý khoa học lại “đổi mới tư duy” bằng cách quay trở lại cái ngõ cụt đáng nguyền rủa ấy ?
Tôi đã có dịp làm nghiên cứu khoa học và thẩm định các đề tài khoa học ở nhiều nước, không thấy ở đâu có kiểu quản lý khoa học như chúng ta. Bộ KH và CN nói là học tập cách quản lý của Mỹ, Nhật, nhưng tôi có thể khẳng định cách làm của ta hoàn toàn khác, mà những cái khác ấy cũng chẳng phải do xuất phát từ đặc điểm gì riêng của ta cả.
Làm một con đường, xây một nhà máy, là những công việc phức tạp nhưng đã có sẵn quy trình, và kết quả biết trước chắc chắn, do đó có thể đấu thầu để chọn phương án rẻ nhất, tốt nhất, lợi nhất. Còn nghiên cứu khoa học là tìm cái mới, dò dẫm, có khi không tìm được cái định tìm nhưng lại tìm ra cái không dự kiến, quá trình sáng tạo không thể chắc chắn 100% mà thường có nhiều yếu tố bất ngờ. Cho nên chẳng ở đâu có chuyện đấu thầu để thực hiên một đề tài khoa học định sẵn, mà cũng chẳng ở đâu Nhà Nước định ra cả trăm đề tài khoa học cụ thể rồi đưa ra đấu thầu trong giới khoa học.
Nhà khoa học muốn sáng tạo cần có cái gọi là “tự do hàn lâm” (academic freedom) trong phạm vi nhất định, và thông thường chỉ có chuyên gia từng lĩnh vực, am hiểu và có kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực đó mới biết nên nghiên cứu đề tài gì và cần phương tiện gì.
Và cũng chỉ có chuyên gia cùng ngành (peer) với họ mới có thể đánh giá và thẩm định một đề tài nào đó có đáng được nghiên cứu hay không. Chứ làm sao một nhóm người nào đó, dù tất cả là bậc thầy chăng nữa, có thể sáng suốt định ra được 95 đề tài khoa học cụ thể để cho các nhà khoa học VN đấu thầu kinh phí nghiên cứu?
Làm như thế có khác gì để phát triển văn học, Nhà Nước chọn ra 95 đề tài tiểu thuyết rồi kêu gọi các nhà văn đấu thầu để được giao kinh phí viết tiểu thuyết theo từng đề tài ấy ? Như thế mà lại gọi là vận dụng cơ chế thị trường váo quản lý khoa học ư ?
Ở các nước ngưới ta không làm máy móc như vậy. Nhà Nước chỉ xác định một số hướng ưu tiên (thường không nhìều lắm) để tập trung đầu tư cho những nghiên cứu về các hướng đó, thông qua các viện hay đại học (công hay tư) do Nhà Nước lập ra (như Viện KIST ở Hàn Quốc) hay các tổ chức tư nhân lập ra.
Tuy nhiên trong mỗi hướng ưu tiên, cần nghiên cứu đề tài gì vẫn phải do chuyên gia bàn thảo và quyết định. Nhà Nước thực hiên sự kiểm tra qua các sản phẩm làm ra, thể hiện ở các ứng dụng thực tế hay các công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế.
Đối với các nghiên cứu thuộc những hướng ưu tiên thì như vậy, còn những đề tài nhằm giải quyết những vấn đề thiết thân của từng doanh nghiệp thì các doanh nghiệp tự làm, với sự hợp tác và giúp đỡ của các đại học và viện nghiên cứu. Các đề tài chưa rõ địa chỉ ứng dụng cụ thể hoặc có tính chất lâu dài về khoa học cơ bản, đòi hỏi nhiều đầu tư có tính rủi ro cao thì do chuyên gia ở các đại học và viện nghiên cứu chọn rồi có thể xin tài trợ của Nhà Nước (hoặc các tổ chức tư nhân) thông qua các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học.
Đề tài nào muốn được tài trợ thì làm đề án gửi lên cơ quan quản lý quỹ hỗ trợ, ở đây họ tổ chức lấy ý kiến thẩm định của các chuyên gia cùng lĩnh vực (peer review) và dựa vào đó quyết định tài trợ cho những đề tài nào.
Quy tắc quản lý tài chính của các đề tài rất rành mạch: chỉ các đề tài nghiên cứu do các doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu của họ mới có thể có thù lao, hay thưởng công cho người nghiên cứu, còn các đề tài khác thì kinh phí thường chỉ được phép dùng để chi cho các nhu cầu về phương tiện nghiên cứu (mua sắm thiết bị, vật liệu, phần mềm, tham gia các hội nghị học thuật, mời nhà khoa học ở nơi khác đến để hợp tác nghiên cứu, v.v..), chứ không có phần “trả công” để tăng thu nhập cá nhân cho người nghiên cứu.
Như vậy lợi ích thực tế mà nhà khoa học được hưởng không phải ở chỗ được trả công nghiên cứu (vì coi việc nghiên cứu là nhịệm vụ, đã được tính đến trong lương), mà ở chỗ được có điều kiện nghiên cứu về những vấn đề mình tâm đắc; mỗi đề tài được tài trợ cùng với các kết quả nghiên cứu là những bằng chứng thành tích hoạt động khoa học, được ghi nhận trong hồ sơ cá nhân có lợi cho sự thăng tiến nghề nghiệp của nhà khoa học.
Như vậy động lực thúc đẩy nghiên cứu không phải là thu nhập trực tiếp qua đề tài mà là lợi ích lâu dài và cơ bản của công tác nghiên cứu. Khi đề tài thực hiện xong không cần tổ chức nghiệm thu như ta làm một cách hình thức và thường không khách quan, mà chỉ cần báo cáo kết quả cho cơ quan tài trợ. Việc thẩm định các đề tài để tài trợ không chỉ căn cứ vào nội dung đề tài, ý nghĩa và tính khả thi của nó mà còn xét các thành tích nghiên cứu mấy năm gần đây nhất của nhà khoa học, trong đó một phần quan trọng là kết quả thực hiện các đề tài trước đã được hưởng tài trợ. Nếu một đề tài được tài trợ mà ít kết quả thì không có hy vọng đề tài sau được tiếp tục nhận tài trợ. Thành thử, tuy không nghiệm thu mà vẫn buộc người nghiên cứu thực hiện nghiêm túc.
Xin đừng “trịch thượng” Đó mới là cách quản lý văn minh, dành sáng kiến, chủ động tối đa cho nhà khoa học, tôn trọng tối đa nhà khoa học, đồng thời bảo đảm đầu tư có hiệu quả. Có thể không nên áp dụng nguyên xi các kinh nghiệm này cho chúng ta, nhưng cái tư duy cơ bản của nó thì đáng học tập, và đó là điều chúng tôi muốn nói khi phát biểu với Thủ Tướng. Dù đồng ý hay không, Bộ KH và CN cũng nên tỏ thái độ nghiêm túc lắng nghe các ý kiến trái với mình. Không nên đáp lại các ý kiến chân thành bằng lời lẽ thiếu nhã nhặn, kiểu ứng xử đó không thích hợp với tinh thần xã hội dân chủ, văn minh. Và cũng xin đừng gọi các nhà khoa học trẻ (dưới 45, theo nội dung của bài phát biểu) bằng “các em”, đó là cách gọi “xoa đầu” trịch thượng, thể hiện sự thiếu tôn trọng cần thiết.
GS Hoàng Tụy