Thức ăn cuối cùng của họ người cổ đại tiết lộ khoảng thời gian cư ngụ

  •  
  • 927

Tại động Arago của Pháp, nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phân tích răng hóa thạch của các loài động vật ăn cỏ từng là đối tượng săn bắt của người Heidelberg (Homo heidelbergensis). Đây là lần đầu tiên một phương pháp phân tích cho phép tính toán thời gian cư ngụ của một họ người ở một vùng cụ thể. Chìa khóa cho thành công này là loại thức ăn cuối cùng mà họ người này đã dùng.

Từ rất nhiều năm, sự di chuyển của các nhóm người cổ đại và thời hạn họ ở lại trong một hang động hay một địa điểm nào đó luôn là chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà khoa học. Giờ đây, một nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu Cổ sinh thái và Tiến hóa xã hội Catalan (IPHES) đã tiến hành tìm hiểu hóa thạch răng của loài động vật vốn là mồi săn của người Heidelberg để xác định đặc điểm thảm thực vật của thời kì đó cũng như cách sống của họ người này.

Florent Rivals là tác giả chính và là nhà khoa học đến từ viện Nghiên cứu và Khảo sát Cấp cao Catalan (ICREA) cùng chung trụ sở với viện IPHES ở Tarragona. “Lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu, một phương pháp đã được sử dụng, cho phép chúng ta xác định độ dài khoảng thời gian cư trú của một họ người ở vùng khảo sát. Từ trước tới nay, giới nghiên cứu vốn vẫn gặp phải khó khăn trong việc xác định, ví dụ, sự khác biệt giữa cư ngụ dài hạn ở một địa điểm với một chuỗi những lần ngụ cư ngắn hạn theo mùa ở vị trí đó.”

Hình dáng răng voi ma mút (trái); hình ảnh phóng đại gấp 35 lần (phải). (Ảnh: Florent Rivals)

Trong kết quả nghiên cứu công bố mới đây trên tờ Journal of Human Evolution, các nhà khoa học phân tích vỏ răng của một loài móng guốc (thú có vú ăn cỏ) tạo ra bởi những hạt opan silica cực nhỏ trong thực vật. Những dấu vết này xuất hiện khi chúng ăn và xóa đè lên dấu vết cũ. Đó chính là đặc điểm hữu ích đối với các nhà nghiên cứu.

Nhờ có hiện tượng này, các nhà khoa học có thể phân tích loại thức ăn cuối cùng của những loài ăn cỏ như ngựa hoang Á – Âu (Equus ferus), cừu rừng (Ovis ammon antiqua) hay tuần lộc (Rangifer tarandus). “Phương pháp này cho phép chúng tôi xác nhận xem liệu sự cư trú của họ người cổ đó có phải là theo mùa hay không,” Rivals nói thêm. Theo nhóm nghiên cứu, lớp hạt siêu nhỏ bao phủ trên răng rất nhạy cảm với những thay đổi thức ăn theo mùa.

Ứng dụng này cho phép các nhà nghiên cứu ước lượng độ dài của thời gian cư ngụ tại hang Arago (Pháp) bằng số lượng dấu vết trên hóa thạch và sự thay đổi thức ăn do “mỗi mùa có một loại thức ăn đặc trưng,” nhà cổ sinh vật học giải thích.

Khoảng thời gian cư ngụ dài/ ngắn

Sau khi kiểm tra lại giả thuyết nêu trên ở các loài động vật ngày nay có số tuổi và ngày chết xác định, các nhà nghiên cứu chứng minh rằng, nếu một nhóm động vật được quan sát trong một mùa cụ thể (ứng với thời gian cư trú ngắn trong nghiên cứu), các dấu vết của vỏ răng có rất ít biến đổi. Nhưng nếu thời gian cư trú kéo dài qua một vài mùa chẳng hạn, thì các vết trên răng rất đa dạng.

“Nếu khoảng thời gian cư trú kéo dài, sẽ xuất hiện nhiều vết khác nhau trên răng của con vật bị săn bắt,”
Rivals nói. Trong trường hợp hang Arago ở Pháp, nghiên cứu về lớp vỏ bám trên răng xác nhận rằng có những cách sắp xếp vỏ bám khác nhau trên răng con vật, tương ứng với những dạng cư ngụ khác nhau của họ người Heidelberg. “Với phương pháp này, chúng tôi khẳng định tại vùng cư trú của người Heidelberg, có bằng chứng cho thấy một vài nhóm người thường xuyên di chuyển, trong khi nhóm khác hầu như không di chuyển.”

Tham khảo:

Rivals et al. A new application of dental wear analyses: estimation of duration of hominid occupations in archaeological localities. Journal of Human Evolution, 2009; 56 (4): 329 DOI: 10.1016/j.jhevol.2008.11.005

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 927