Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cúm gia cầm

  •  
  • 90

Cục trưởng Cục Thú y khẳng định điều quan trọng nhất để phòng chống dịch cúm gia cầm là thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần thực hiện ngay việc quy hoạch, xây dựng các khu vực chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm tập trung, tránh xa khu dân cư.

Cục trưởng Cục Thú y TS Bùi Quang Anh

Ngày 20-10, trả lời phỏng vấn của phóng viên, TS Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nói mặc dù từ tháng 8 đến nay, dịch cúm gia cầm trên phạm vi cả nước đã lắng dịu, không có phát sinh ổ dịch mới, không có bệnh nhân mới bị nhiễm virus cúm A (H5N1) nhưng mầm bệnh vẫn còn và đang tiềm ẩn nhiều khả năng tái phát.

"Theo nhận định của các chuyên gia thế giới, Việt Nam đang ở pha thứ 3/6 của dịch cúm gia cầm, tức là đã có người nhiễm bệnh từ gia cầm, nhưng chưa lây lan từ người sang người," ông Bùi Quang Anh phát biểu. "Vì thế, trên cơ sở kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người do Chính phủ vừa công bố, các địa phương cần xây dựng kế hoạch riêng, huy động mọi nguồn lực, áp dụng tất cả biện pháp để ngăn chặn đại dịch. Đối với ngành thú y, công tác trọng tâm hiện nay là thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia cầm".

Theo ông Cục trưởng, trong khi một số địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Tây khẩn trương thực hiện đề án phòng chống dịch, nhiều tỉnh thành vẫn rất chậm chạp. Nhiều ngành, nhiều địa phương chưa coi phòng chống dịch cúm gia cầm là vấn đề quan trọng, quyết liệt, chưa dành thời gian, nhân lực, kinh phí thích hợp cho công tác này. Thêm vào đó, người dân còn chủ quan.

Ông Bùi Quang Anh cho biết cả nước đã có 37 tỉnh, thành phố triển khai tiêm phòng với tổng số trên 56 triệu liều vaccine, đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ông nói về lâu dài các cơ quan nghiên cứu, cơ quan khoa học như Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Thú y cần nghiên cứu sản xuất được vaccine trong nước.

Theo TTXVN
  • 90