Thực vật cũng thải khí nhà kính?

  •  
  • 641

Mêtan (CH4) là một trong những loại khí mà các cây cỏ thải ra trong quá trình héo úa và mục thối. Nhưng còn nhiều yếu tố nữa trong quá trình mục rữa mà các khoa học gia chỉ mới vừa khám phá ra.

Các khoa học gia thuộc viện Vật Lý Hạt Nhân Max Plank (Max Planck Institut für Kernphysik) tại thành phố Heidelberg, Đức, đã phát hiện ra rằng cây cỏ sản xuất và thải khí Mêtan trực tiếp vào không khí, và đây là nguồn gốc của "khí nhà kính" mà bấy lâu nay không được để ý đến.

Thoạt đầu, các khoa học gia tìm hiểu cây cỏ đã thải khí gì ra khi đẩy các lá héo mục để thay thế bằng những mầm non mới nhú. Sau đó, thực hiện cuộc khảo sát với những cây bắp đang trổ và những mảng cỏ xanh, các khoa học gia đã khám phá ra rằng các "cây sống" thải khí Mêtan ra từ 10 đến 100 lần nhiều hơn các "cây chết". Những cây cây cỏ nào được hưởng nhiều tia nắng mặt trời sẽ thải khí Mêtan nhiều hơn nữa.

Nhưng làm thế nào mà cỏ cây có thể sản xuất được khí Mêtan, cho đến nay vẫn còn là một điều mà các khoa học gia chưa thể giải thích được. Chỉ có thể đoán rằng, sự hình thành khí Mêtan của thực vật là do một chuỗi phản ứng nào đó chưa từng biết tới và có thể sẽ mở ra một lãnh vực nghiên cứu cho các khoa học gia chuyên về Hóa Học Thực Vật và Sinh Học Thực Vật.

Cũng ngạc nhiên không kém là sự hình thành của khí Mêtan không bị dưỡng khí trong không khí ngăn trở. Cho đến nay, các khoa học gia vẫn tưởng rằng những vi sinh vật tạo ra khí Mêtan từ dưỡng khí. Và những nguồn gốc quan trọng tạo ra khí Mêtan là ở những khu vực ẩm ướt, những cánh đồng lúa, phân của các loài "động vật nhai lại (bò..)" và những con mối (mọt), tại những bãi rác hay những "khí hôi hám" của các bồn lọc nước thải, v...v.. Theo ước đoán, 2/3 các nguồn gốc này biểu hiện 600 triệu tấn khí Mêtan trên thế giới, hình thành hàng năm.

Qua sự ước đoán này, thì tỷ lệ 10% đến 30% khí Mêtan hình thành trên quả địa cầu là do cỏ cây thải ra, phần lớn hơn 60% còn lại có nguồn gốc từ những miền nhiệt đới.

Cỏ cây thải khí MMêtan trực tiếp vào không khí, sự kiện mới được khám phá này giải thích, tại sao nồng độ khí Mêtan lại quá cao tại những khu rừng nhiệt đới (các khoa học gia thuộc đại học Heidelberg vừa báo động cho biết khi quan sát qua vệ tinh).

Sau khí "dioxyde than" là nguyên nhân chính, khí Mêtan cũng rất quan trọng đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi nhiệt độ của trái đất chúng ta. Sự tích tụ khí Mêtan trong không khí đã tăng gấp 3 lần trong vòng 150 năm nay, phần lớn nguyên nhân là do sự thành lập ngày càng nhiều của các cánh đồng lúa và sự phát triển của kỹ nghệ nuôi bò.

Theo Thiên Nhiên VN
  • 641