Theo kết quả đăng trên Tạp chí New Phytologist, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và Đại học Montpellier phát hiện các loài thực vật có hoa mọc ở đất nông nghiệp ngày càng không có côn trùng thụ phấn. Vì lý do này, thực vật đang tiến hóa theo hướng tự thụ phấn.
Thực vật đang tiến hóa theo hướng không cần côn trùng thụ phấn. (Ảnh minh họa).
Bằng cách so sánh hoa păng-xê (phăng-xê) trên đồng ruộng mọc ở vùng Paris ngày nay với hoa păng-xê từng được phục hồi trong phòng thí nghiệm từ hạt giống thu thập từ năm 1992 đến năm 2001, nhóm nghiên cứu nhận thấy hoa mọc trên đồng ruộng ngày nay nhỏ hơn 10%, tạo ra mật hoa ít hơn 20% và ít được các loài thụ phấn ghé thăm. Sự tiến hóa nhanh chóng này được cho là do sự suy giảm quần thể côn trùng thụ phấn ở châu Âu.
Một nghiên cứu được thực hiện ở Đức cũng cho thấy hơn 75% sinh khối côn trùng bay (những vật liệu sinh học có nguồn gốc từ ong, bướm…) đã biến mất khỏi hệ sinh thái côn trùng tại các khu bảo tồn trong 30 năm qua.
Các nhà khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp nhằm chống lại hiện tượng này càng nhanh càng tốt để bảo vệ sự tương tác giữa thực vật và các loài thụ phấn, vốn đã tồn tại hàng triệu năm qua.