Thuốc nhỏ tai có thể gây điếc

  •  
  • 2.939

Với trẻ em, đặc biệt là dưới 2 tuổi, việc sử dụng thuốc nhỏ tai không đúng chỉ định sẽ để lại hậu quả nặng nề là nhiễm độc tai trong, gây điếc không hồi phục. Trẻ điếc ở tuổi chưa tập nói cũng sẽ bị câm.

Thuốc nhỏ tai được chia làm hai loại: loại dùng cho những bệnh lý về tai không thủng màng nhĩ và loại cho những bệnh lý thủng màng nhĩ.

Thuốc Polydexa

Thuốc Polydexa (Ảnh: vidal.moslek)

Loại thứ nhất chủ yếu điều trị bệnh lý của ống tai ngoài như viêm ống tai ngoài, nhọt ống tai ngoài, chấn thương rách da ống tai, bao gồm Polydexa, thuốc sát khuẩn tại chỗ Betadine... Nếu dùng nó cho người bị thủng màng nhĩ, thuốc sẽ tiếp xúc với các cấu trúc của tai trong, gây các tai biến nặng nề lên ốc tai và tiền đình, dẫn đến điếc, rối loạn thăng bằng... Khi sử dụng thuốc, nếu thấy các dấu hiệu bất thường như chóng mặt, đau đầu, rát bỏng trong tai, biểu hiện mẩn ngứa dị ứng ngoài da, phải thông báo ngay cho bác sĩ để thay thuốc và tránh sử dụng các kháng sinh cùng nhóm đường toàn thân. Thời gian điều trị không quá 10 ngày.

Thuốc dùng cho tai khi màng nhĩ thủng là những thuốc có tác dụng chữa viêm nhiễm mạn tính của tai giữa, chứa những kháng sinh tương đối lành tính. Chúng cần được ngâm ấm tới 30-37 độ C trước khi nhỏ để tránh chóng mặt khi thuốc lạnh kích thích lên tiền đình. Trước khi nhỏ, phải lau sạch mủ trong ống tai bằng que bông nhỏ, nhẵn và tròn để không gây tổn thương thành ống tai hoặc màng nhĩ. Que chuẩn bị quấn bông phải vô khuẩn. Chỉ đặt que tăm bông nhẹ nhàng vào ống tai để chúng tự hút mủ và chất dịch trong tai ra ngoài, tránh lau nhiều, lau mạnh. Đưa vào sâu trong ống tai không quá 0,5 cm. Khi nhỏ tai, bệnh nhân phải nghiêng đầu về phía đối diện. Dùng tay trái kéo vành tai lên trên và ra sau, nhỏ thuốc. Giữ 10-15 phút, sau đó nghiêng đầu về phía tai bệnh để thuốc chảy ra hết rồi thấm khô ống tai ngoài.

Tuyệt đối khi tai chảy mủ, không được dùng các dạng thuốc viên nghiền ra để thổi vào trong tai vì chúng chứa tá dược không tan trong nước, không bị hấp thu, gây bít tắc đường dẫn ra của dịch. Dịch sẽ đọng lại trong tai giữa và gây biến chứng ngược vào trong như viêm xương chũm, viêm màng não, viêm mê nhĩ.

Điều quan trọng nhất cần nhớ là chỉ nên dùng thuốc nhỏ tai theo chỉ định và dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc tai mũi họng.

ThS. Phạm Thị Đào

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
  • 2.939