Câu chuyện về loài bướm ở Samoa này là ví dụ về chọn lọc tự nhiên nhanh nhất được quan sát tới nay, và cho thấy tiến hoá có thể tăng tốc khi xuất hiện mối đe doạ lớn.
Trước nguy cơ tuyệt diệt, những con bướm trên hai hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương đã nhanh chóng phát triển hàng rào tự vệ bằng gene để giúp chúng đối phó tình hình.
Năm 2001, những con bướm đực của loài Hypolimnas bolina trên đảo Savaii and Upolu (quần đảo Samoa) cực kỳ hiếm. Chúng chỉ chiếm 1% trong quần thể của mình. Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng bị tấn công bởi vi khuẩn Wolbachia - một loại ký sinh trùng được truyền qua con cái đã giết chết những con bướm đực trước khi chúng nở.
Năm ngoái, số lượng các con đực đã gần bằng các con cái. Đó là nhờ chúng đã phát triển một đột biến gene cho phép tiêu diệt vi khuẩn, tăng lực cho các anh chàng và cho phép chúng nhân lên nhanh chóng.
"Đây là một trong những ví dụ rõ ràng nhất và nhanh nhất về sự tiến hoá dưới áp lực chọn lọc tự nhiên", Sylvain Charlat từ Đại học tổng hợp London, tác giả nghiên cứu cho biết.
Con bướm đực của loài Hypolimnas bolina (Ảnh: Sylvain Charlat / Science)
Để kiểm tra xem liệu sự hồi sinh của các anh chàng có phải do những thay đổi gene ở chính chúng hay ở ký sinh trùng, nhóm nghiên cứu đã cho giao phối những con bướm cái nhiễm ký sinh trùng với bướm đực từ một hòn đảo khác không có đột biến gene này.
Sau đó, lứa con của cặp đôi này lại được phối giống với những con bướm trên một hòn đảo không nhiễm bệnh, nhằm pha loãng gene có khả năng giết ký sinh trùng. "Sau khi làm việc đó 3 thế hệ, chúng tôi đã nhận được một quần thể mà tất cả các con đực đều bị giết chết", nhóm nghiên cứu nói.
Điều đó chứng tỏ gene đột biến được hình thành ngay trong chính các con bướm đực đang gặp nguy khốn.
T. An