Tiểu hành tinh 150km đâm vào Trái đất, hàng loạt sinh vật mới ra đời

  •   23
  • 2.466

Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia đã tìm ra bằng chứng về kỷ băng hà sự sống do một tiểu hành tinh khổng lồ gây ra từ 466 triệu năm về trước.

Một tiểu hành tinh khổng lồ nổi tiếng khiến khủng long và hàng loạt sinh vật trái đất tuyệt chủng. Nhưng trước đó, một gã khổng lồ khác đã tạo nên điều ngược lại: khiến sự sống bùng nổ khắp các đại dương trên Trái đất. Đó là những gì mà nhóm khoa học gia đứng đầu bởi giáo sư Birger Schmitz (Đại học Lund, Thụy Điển) phát hiện được thông qua cuộc nghiên cứu xoáy vào nhiều mẫu trầm tích ở nhiều nơi trên Trái đất – những tảng đá từng là đáy biển cổ đại thuộc kỷ Ordovic.


Hóa thạch của một mảnh thiên thạch có liên quan đến vụ tiểu hành tinh va chạm 466 triệu năm trước - (ảnh: BIRGER SCHMITZ).

Họ đã tìm thấy sự xuất hiện của nhiều vật chất lạ, ví dụ như các nguyên tố và các đồng vị hiếm khi xuất hiện trong Trái đất, các nguyên tử hellium bị thiếu 1 neutron, chứng tỏ nó bị bắn khỏi mặt trời và lang thang trong không gian. So sánh với các mẫu thiên thạch ít tuổi hơn từ Nam Cực, các nhà khoa học đã chứng minh nguồn gốc không gian của các mẫu đá và bụi cổ đại xen lẫn trong đá Trái đất.

Bằng chứng hóa học trên đã tiết lộ về một vụ va chạm đáng sợ 466 triệu năm về trước. Một tiểu hành tinh từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc đã lạc lối tới Trái đất, đâm thẳng vào hành tinh của chúng ta.

Ước tính tiểu hành tinh này có bề rộng lên tới 150km, vì vậy lực va chạm là cực lớn. Giống như thời tận diệt của loài khủng long, tiểu hành tinh này cũng giải phóng một lượng lớn bụi thiên thạch, tạo nên những đám mây mù bao phủ trái đất, ngăn ánh sáng mặt trời tiếp cận trái đất, tạo nên một kỷ băng hà vĩ đại.

Vào thời kỳ mà trái đất còn là một hành tinh hoang sơ, kỷ băng hà này lại không gây thảm họa, mà trái lại còn khởi nguồn cho một cuộc bùng nổ của hàng loạt loài mới khắp các đại dương. Dấu vết vô số sinh vật lạ lùng được sinh ra trong thời kỳ này đã được các nhà cổ sinh vật học khắp thế giới ghi nhận.

Những sinh vật này chủ yếu là nhóm sinh vật phù du, cơ sở của chuỗi thức ăn đại dương, ví dụ như bọt biển san hô, sao biển, nhím biển… Trước đây, từng có các nghiên cứu cho rằng một số trong những sinh vật này, nhất là bọt biển, có thể là "ông tổ" lâu đời của nhiều loài hiện đại, bao gồm… con người chúng ta.

Sự ra đời của hàng loạt sinh vật mới này được đặt tên là Sự kiện đa dạng sinh học Ordovic.


Một sinh vật ra đời trong Sự kiện đa dạng sinh học Ordovic - (ảnh: BIRGER SCHMITZ).

Kết quả nghiên cứu này cũng đưa các nhà khoa học đến một tham vọng táo bạo: tạo ra một vụ giải phóng bụi thiên thạch giả, tức không có va chạm thực sự, cư dân trái đất vẫn an toàn, nhưng một lượng bụi vừa đủ sẽ được giải phóng vào không khí như trong vụ va chạm cổ xưa. Đám mây bụi nhân tạo này có thể cứu lấy thế giới, giúp trái đất giảm nhiệt độ, bù đắp lại mức tăng nhiệt độ toàn cầu do khí thải nhà kính gây ra.

Tuy nhiên theo tiến sĩ Philipp Heck (Đại học Chicago – Mỹ, phụ tránh Bảo tàng Field tại Chicago), thành viên nhóm nghiên cứu, đề xuất này cần được xem xét cẩn thận bởi chỉ cần một sai sót, chúng ta có thể gây ra một sự việc tồi tệ thay vì cứu Trái đất.

Cập nhật: 23/09/2019 Theo NLĐ
  • 23
  • 2.466