Tìm hiểu 4 đế chế hùng mạnh ghê gớm của Iraq

  •  
  • 2.716

Iraq thường được gọi là một "cái nôi của nền văn minh", và vùng Lưỡng Hà - Iraq ngày nay - là một trong những nơi đầu tiên trên Trái Đất con người bắt đầu sống quần tụ cùng nhau. Iraq cũng là quê hương của nhiều đế chế hùng mạnh mà dưới đây là 4 ví dụ tiêu biểu.

Đế chế Babylon

Đế chế Babylon

Nhà nước độc lập Babylon được thành lập bởi vị thủ lĩnh người Amorites là Sumuabum vào năm 1894 TCN. Triều đại đầu tiên của người Amorites đã xây dựng thành phố Babylon, nơi mà sau này trở thành đế quốc Cổ Babylon, một trong những đế quốc cổ nhất trong lịch sử thế giới.

Babylon là một điển hình nổi bật của khả năng con người có thể đạt tới những mục tiêu vĩ đại, bằng cách sử dụng tất cả các phương tiện mà mình có được. Bên cạnh sự phát triển nông nghiệp, những thành tựu khoa học của một nền văn minh cổ cũng được phát triển rực rỡ và góp phần cho sự phát triển nhân loại ngày nay.

Người Babylon biết giải phẫu và mô tả được 40 loại bệnh. Vị thần bảo hộ y học Nilghidzida mà vật tượng trưng là rắn quấn quanh cái gậy, được dùng làm biểu tượng y học ngày nay. Về toán học, họ biết các phép tính bình phương, khai căn, số pi, định lý tam giác vuông. Người dân Lưỡng Hà sử dụng hệ thống số đếm căn bản 60.

Đế chế Assyria

Đế chế Assyria

Assyria là một vương quốc của người Akkad, bắt đầu tồn tại như là một nhà nước từ cuối thế kỷ 25 hoặc đầu thế kỷ 24 trước Công nguyên (TCN) đến năm 608 trước Công nguyên với trung tâm ở thượng nguồn sông Tigris, phía bắc Lưỡng Hà (ngày nay là miền bắc Iraq).

Trong thế kỷ 20 TCN, Assyria đã thành lập các thuộc địa ở Tiểu Á và dưới thời vua Ilushuma, đế chế này đã khẳng định sự thống trị của mình trên toàn bộ miền nam Lưỡng Hà. Từ cuối thế kỷ 19 TCN, Assyria đã tham gia vào cuộc chiến với nhà nước Babylon mới được thành lập mà cuối cùng đã làm lu mờ hoàn toàn các quốc gia Sumer-Akkad ở phía nam.

Sau khi nó sụp đổ, (giữa năm 612 TCN và 605 TCN), Assyria tồn tại như một tỉnh và một đơn vị địa chính trị dưới sự cai trị của người Babylon, Medes, Achaemenid, Seleucid, Parthia, La Mã và đế quốc Sassanid cho đến tận cuộc xâm lược và chinh phục Lưỡng Hà của người Hồi giáo Ả Rập vào giữa thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên (SCN), khi nó cuối cùng đã bị giải thể.

Đế quốc Akkad

Đế Quốc Akkad

Đế quốc Akkad là đế quốc nói tiếng Semit cổ đại đầu tiên của Mesopotamia, với trung tâm nằm ở thành phố Akkad thuộc khu vực Mesopotamia cổ đại và vùng đất xung quanh nó cũng được gọi là Akkad trong Kinh thánh.

Đế chế Akkad đạt đến giai đoạn đỉnh cao là vào khoảng thời gian từ thế kỷ 24 cho đến thế kỷ 22 TCN, sau những cuộc chinh phạt của vị vua sáng lập nên vương quốc này. Dưới triều đại của Sargon và những vị vua kế vị ông, các quốc gia láng giếng bị họ chinh phục như Elam và Guti đã phải sử dụng tiếng Akkad trong một thời gian ngắn. Đôi khi, Akkad được coi là đế quốc đầu tiên trong lịch sử, mặc dù ý nghĩa của thuật ngữ này không chính xác, và còn có nhiều người cho rằng nó đáng lý phải thuộc về người Sumer trước đó.

Sau khi đế quốc Akkad sụp đổ, người dân Mesopotamia cuối cùng cũng được thống nhất lại thành hai cường quốc nói tiếng Akkad: Assyria ở phía Bắc, và một vài thế kỷ sau là Babylonia ở phía Nam.

Đế chế Sumer

Đế chế Sumer

Người Sumer được biết đến là người đầu tiên đến định cư ở phía Nam Lưỡng Hà (ngày nay là Iraq) hơn 7.000 năm trước. Vào thiên niên kỷ thứ 4 TCN, nền văn minh này đã thiết lập nên hệ thống chữ viết tiên tiến, các công trình kiến trúc, nghệ thuật, thiên văn học và toán học. Người Akkad đã tiếp bước người Sumer, vay mượn văn hóa từ họ, tạo ra một nền ngôn ngữ mới của riêng mình cùng đế chế đầu tiên trên thế giới.

Nguồn gốc của người Sumer vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay. Họ tự gọi mình là Saggiga (“những người hói đầu” hay “những người đen đầu”) và đất nước của họ là Kengi (“vùng đất văn minh”). Một số người tin rằng họ đến từ khắp nơi trên Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Những người khác lại cho rằng họ có thể đến từ Ấn Độ và là người da trắng trong xứ. Ít nhất vào khoảng năm 3500 TCN, họ đã định cư ở miền Nam Babylon, Iraq ngày nay.

Cập nhật: 22/01/2018 Theo Dân Việt
  • 2.716