Thủ đô của Nigeria là một trung tâm trung chuyển lớn trong khu vực, có thể hình thành môi trường thuận lợi cho sự lan truyền dễ dàng của virus Ebola. Nhưng phản ứng và phối hợp kịp thời đã giúp nước này khống chế được đợt bùng phát dịch nguy hiểm.
>>> Nigeria đã thoát khỏi dịch Ebola
Ngày 20/7, một hành khách nhiễm bệnh từ Liberia đã mang virus Ebola đến Lagos, thành phố lớn nhất không chỉ của Nigeria mà còn của cả châu Phi, với dân số 21 triệu người. Từ người đầu tiên nhiễm tác nhân gây bệnh (patient zero), virus dần lây lan đến hơn 19 người và khiến 8 người tử vong. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch đã được kiềm chế và không có thêm trường hợp nào được phát hiện kể từ đó.
Kiểm tra nhiệt độ cơ thể học sinh ở một trường học tại Lagos, Nigeria. (Ảnh: Reuters)
Dịch Ebola xuất hiện ở Nigeria giữa bối cảnh có đầy đủ yếu tố để biến nơi này thành một "ổ dịch" lớn hơn nhiều lần, tương tự như sức tàn phá của virus đối với các quốc gia Tây Phi khác là Guinea, Sierra và Liberia.
Lagos là khu vực có dân số đông, có thể so sánh tương đương với dân số của ba quốc gia này cộng lại. Đây cũng là một trung tâm trung chuyển lớn trong khu vực, với hoạt động di chuyển bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Đó là những đặc điểm có thể hình thành môi trường thuận lợi cho sự lan truyền dễ dàng của virus.
Thế nhưng, phản ứng phối hợp và kịp thời của Nigeria đã từng bước ngăn sự bùng nổ dịch.
Tính đến cuối tháng 9, khoảng 900 người, hay gần như tất cả những ai từng tiếp xúc với bệnh nhân ban đầu, đều đã được xác định, phỏng vấn và theo dõi. Để thực hiện được điều này, các nhà điều tra từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria và Bộ Y tế đã tiến hành 18.500 đợt thăm khám bệnh trực tiếp. Trong khi đó, những người bị nghi ngờ nhiễm Ebola đều được chuyển đến khu vực cách ly. Bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với Ebola nhanh chóng được đưa đến trung tâm điều trị.
Nguy cơ nhiễm Ebola xảy ra nếu có tiếp xúc với các dịch lỏng từ bệnh nhân có dấu hiệu liên quan đến virus. Thời gian bắt đầu các triệu chứng ở người nhiễm bệnh thường kéo dài từ 2-21 ngày. Sau 21 ngày, nếu người phơi nhiễm không có triệu chứng, thì họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi Ebola.
Để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát dịch đã kết thúc, một quốc gia phải xác định không có ca bệnh mới trong 42 ngày (gấp hai lần so với số ngày trong giai đoạn ủ bệnh). Thêm vào đó, hoạt động giám sát vẫn phải tiếp tục tiến hành để phát hiện và ngăn chặn nguy cơ lây lan tiềm ẩn.
Phòng cách ly ở Lagos, Nigera. (Ảnh: CDC)
Live Science cho hay, một lý do quan trọng khác giúp Nigeria vượt qua được khủng hoảng Ebola đó là hoạt động hiệu quả của phòng thí nghiệm virus của bệnh viện Đại học Lagos. Theo WHO, đây là nơi mà các nhà nghiên cứu có thể nhanh chóng chẩn đoán các ca mắc bệnh.
Tại Nigeria, người dân đều được giáo dục về đặc điểm và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh thông qua phương tiện truyền thông xã hội và chương trình truyền hình. "Các chiến dịch nhận thức hướng tới cộng đồng, với sự hợp tác từ sớm của các nhà lãnh đạo nhóm cộng đồng, nhóm tôn giáo hay tổ chức khác, cũng đóng vai trò quan trọng để khống chế thành công dịch bệnh", WHO nhận định.
Hiện tại, Nigeria tiếp tục duy trì cảnh báo ở mức độ cao với dịch bệnh, khi các quan chức y tế của nước này vẫn nỗ lực tìm kiếm và phát hiện trường hợp nhiễm virus.Tuy nhiên, sự thành công của quốc gia Tây Phi này cho thấy bằng biện pháp phản ứng kịp thời, Ebola có thể được kiểm soát.
"Đây là một câu chuyện đặc biệt thành công ngoạn mục, cho thế giới thấy rằng Ebola có thể được khống chế", Al Jazeera dẫn lời Rui Gama Vaz, người đứng đầu văn phòng WHO tại Nigeria, cho hay.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.