Tìm hiểu ngôn ngữ loài dơi

  •  
  • 1.800

Theo các nhà khoa học Mỹ, việc tìm hiểu cơ chế mà loài dơi sử dụng để giao tiếp với nhau bằng thanh âm có thể giúp tìm ra những liệu pháp mới để điều trị rối loạn ngôn ngữ ở con người.

Hàng đêm ở miền Trung bang Texas (Mỹ), hàng ngàn con dơi vừa bay lượn vừa trỗi lên những giai điệu bao gồm những âm tiết phức tạp – nhưng ở tần số quá cao nên con người không thể nghe được.

Tiến sĩ sinh học thần kinh Michael Smotherman Trường Đại học Texas A&M đang cố gắng tìm hiểu cách thức mà loài dơi Mexican Freetail sử dụng để kết hợp các âm tiết thành “điệu hát” hàng đêm và mối liên hệ giữa cách thức đó với hoạt động của não.

Ông Smotherman nói: “Nếu chúng ta có thể xác định được những khu vực ở não dơi chịu trách nhiệm về giao tiếp, chúng ta sẽ hiểu nhiều hơn về cơ chế mà não sử dụng để phát ra và phối hợp các chuỗi âm thanh phức tạp. Và qua việc hiểu được cơ chế đó, chúng ta có thể làm sáng tỏ giả thuyết về bản chất của sự rối loạn ngôn ngữ. Dùng đến 20 âm tiết để “nói”.

Nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu 2 phương diện giao tiếp của loài dơi – loài hữu nhũ được xem là “nói” nhiều nhất, chỉ sau con người. Trong các nghiên cứu về hành vi, họ đã xem xét sự khác biệt về giới tính và những thay đổi theo mùa trong giao tiếp, và trong các nghiên cứu về sinh lý học, họ đang cố gắng tìm ra các khu vực nào trong não dơi hoạt động trong quá trình giao tiếp của chúng.

Dơi Mexican Freetail

Các nhà khoa học đang tìm hiểu cách thức mà dơi Mexican Freetail sử dụng để kết hợp các âm tiết thành “bài hát” và mối tương quan giữa não và khả năng sử dụng “ngôn ngữ” của chúng. (Ảnh: Science Daily)

Dơi Mexican Freetail chủ yếu phát ra tiếng kêu ở tần số vượt quá giới hạn cao nhất mà tai người có thể nghe được. Thi thoảng thì con người mới nghe được chút ít “tiếng hát” của dơi – tất nhiên đó là những âm tiết ở tần số vừa đủ nghe.

Loài dơi có khả năng phát ra sóng siêu âm và dựa vào sự dội lại của sóng âm để định hướng và nhận biết được vị trí và khoảng cách của các vật thể quanh chúng. Khi tần số sóng siêu âm của dơi càng cao, chúng càng phát hiện được nhiều chi tiết hơn về môi trường xung quanh.

Tiến sĩ Smotherman cho biết dơi Mexican Freetail sử dụng từ 15 đến 20 âm tiết để tạo ra các tiếng kêu. Mỗi con dơi đực đều có những “điệu nhạc” riêng để tán tỉnh dơi cái. Thật ra, tất cả những lời “tỏ tình” đó đều tương tự nhau, nhưng mỗi chàng dơi đều dùng một âm tiết khác nhau để tạo nên sự khác biệt.

Dơi cũng sử dụng giao tiếp bằng “lời nói” để nhận ra nhau, xác định ranh giới lãnh thổ, lập quy tắc ứng xử bầy đàn, xua đuổi kẻ xâm lấn và dạy dỗ con cái. Ông Smotherman nhận xét: “Ngoài con người, không có loài hữu nhũ nào khác có khả năng sử dụng những chuỗi âm thanh phức tạp để giao tiếp như loài dơi”.

Hy vọng tìm ra liệu pháp trị rối loạn ngôn ngữ

Tiếng kêu của loài dơi cũng tương tự như tiếng hót của loài chim. Các nhà khoa học đã biết được mối liên hệ giữa tiếng hót của chim với não của chúng, nhưng theo ông Smotherman, “cấu trúc của não chim rất khác với mô hình não của loài hữu nhũ, vì thế rất khó để ứng dụng những hiểu biết về khả năng giao tiếp của loài chim cho hoạt động ngôn ngữ của con người”.

Về cơ bản, não của tất cả các loài hữu nhũ được tổ chức theo cùng một cách, vì thế não dơi có nhiều cấu trúc tương đồng với não người. Do đó, từ việc nghiên cứu khả năng sử dụng âm thanh của loài dơi, chúng ta có thể suy luận được những điều liên quan đến ngôn ngữ của con người.

Ông Smotherman nói: “Não dơi phải có một trung tâm ‘nói’ có khả năng tổ chức những kiểu mẫu và chuỗi thanh âm, nhưng vấn đề là trung tâm đó nằm ở đâu. Chúng tôi đang sử dụng những kỹ thuật phân tử để xác định vùng nào trong não dơi hoạt động mạnh nhất trong khi dơi đang sử dụng âm thanh”.

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi hành vi của 75 con dơi trong phòng thí nghiệm. Chúng được lấy từ các trường học và nhà thờ, chứ không phải dơi trong đời sống hoang dã. Do đó, theo ông Smotherman, “những con dơi này không hung dữ, mà trái lại rất thân thiện và phù hợp cho việc nghiên cứu”.

Tiến sĩ Smotherman hy vọng trong thời gian tới, nhóm của ông sẽ ứng dụng kết quả nghiên cứu này vào việc tìm hiểu thêm hoạt động ngôn ngữ của con người, làm sáng tỏ những bí mật về rối loạn ngôn ngữ và tìm ra liệu pháp để điều trị.

Theo ông, “việc cho rằng ngôn ngữ là cái duy nhất chỉ có ở con người đã kìm hãm các nghiên cứu trong lĩnh vực này. Bằng cách so sánh với những lĩnh vực khác của khoa học thần kinh, chúng tôi đang tìm hiểu những vấn đề cơ bản nhất của cơ chế kiểm soát hoạt động ngôn ngữ”.

Minh Quang

Theo Science Daily, Vietnamnet
  • 1.800