Virus sát thủ H5N1 thích cư trú trong những tế bào nằm sâu trong phổi, hơn là phần trên cùng của bộ máy hô hấp như với các chủng cúm người khác, hai nghiên cứu mới đây cùng phát hiện.
đường truyền người - người của H5N1 rất có thể sẽ không xảy ra (Ảnh: ecplanet) |
Kể từ năm 2003, virus H5N1 đã xuất hiện ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông, dẫn tới việc tiêu huỷ hàng trục triệu gia cầm nuôi. Mặc dù việc lây nhiễm hiện vẫn chỉ hạn chế giữa các loài chim, song virus này đã giết chết 103 người thông qua đường truyền chim - người.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng virus sát nhân này có thể đột biến thành một dạng khác, có thể lây truyền từ người sang người dễ dàng hơn nhiều, và khi đó thì một đại dịch cúm người trên toàn cầu có thể xảy ra.
Một trong hai nghiên cứu công bố tuần này tìm hiểu khả năng đó, do các nhà khoa học tại Đại học Wisconsin và Đại học Tokyo thực hiện. Nhóm tìm thấy H5N1 rất ít khả năng cư trú ở đường hô hấp trên. Chúng xâm nhập vào vùng sâu hơn nhiều, và rất dẻo dai ở phổi - khiến cho virus đã nhiễm vào sẽ khó phát tán và được điều trị.
Ngược lại, các chủng cúm người thông thường lại làm tổ trong những tế bào đường hô hấp trên. Điều này có nghĩa là, mỗi khi người ta ho hay hắt hơi, thì các giọt nước từ điểm này sẽ dễ dàng phát tán vào không khí, khiến cho việc lan truyền người - người trở nên dễ dàng.
Phát hiện trên của các nhà nghiên cứu Nhật - Mỹ được lặp lại bởi một nhóm nghiên cứu Hà Lan, dự kiến công bố trên tạp chí Science ngày mai. Nhóm khoa học của Đại học Rotterdam một lần nữa tìm thấy rằng cúm gia cầm thích ẩn náu trong những tế bào sâu trong phổi, và tránh xa đường hô hấp trên.
Cả hai đều có nghĩa rằng đường truyền người - người của H5N1 rất có thể sẽ không xảy ra, ít nhất cho đến bây giờ. Tuy nhiên, bất kỳ đột biến nào cũng đều có thể làm thay đổi tình hình đó.
T. An