Tìm ra phương thuốc "trẻ mãi không già" từ loài giun

  •  
  • 1.104

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện một loài giun có khả năng ngừng lão hóa, mang hi vọng cho chuyên gia chế tạo ra một loại thuốc để con người "trẻ mãi không già".

Theo đó, các chuyên gia đã phát hiện ra một loại giun tròn có tên C.elegans với khả năng tự đặt cơ thể mình trong trạng thái ngừng lão hóa.

Đứng đầu nghiên cứu - giáo sư sinh học David R. Sherwood tại ĐH Duke cho biết, loại tế bào đặc biệt của giun tròn C. elegans có khả năng ngừng phát triển và làm chậm quá trình lão hóa khi giun ở trong tình trạng đói.

Tìm ra phương thuốc "trẻ mãi không già" từ loài giun

Sherwood cho rằng: "Các tế bào trong cơ thể chúng ta có thể hoạt động như thế khi có chế độ ăn dinh dưỡng thấp. Vấn đề là chúng ta phải tìm ra được bí quyết và lợi ích chống lão hóa mà không phải "đau khổ" với chế độ ăn uống hạn chế".

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, việc hạn chế thức ăn của giun tròn C.elegans đặt chúng vào trạng thái hạn chế sự phát triển. Chúng vẫn luồn lách để tìm kiếm thức ăn nhưng các tế bào và cơ quan trên cơ thể được đặt vào trạng thái ngừng lão hóa. Khi nguồn thức ăn dồi dào trở lại, C.elegans sẽ vẫn phát triển như bình thường nhưng có thể sống lâu gấp 2 lần.

Tìm ra phương thuốc "trẻ mãi không già" từ loài giun
Giun tròn C.elegans có thể nhịn đói ít nhất là 2 tuần và vẫn phát triển bình thường.

David R. Sherwood cùng đồng nghiệp nhận thấy, giun tròn C.elegans có thể nhịn đói ít nhất là 2 tuần mà vẫn phát triển bình thường. Điều này cơ bản giúp chúng tăng gấp đôi tuổi thọ, tức là thêm 2 tuần tuổi nữa.

Qua nghiên cứu, các chuyên gia hi vọng sẽ tìm ra được loại thuốc giúp con người "trẻ mãi không già" trong tương lai không xa. Bên cạnh đó, Sherwood cùng đồng nghiệp sẽ nghiên cứu về vấn đề ung thư.

Sherwood cho rằng: "Một trong những bí ẩn lớn nhất của ung thư là các tế bào ung thư di căn sớm và sau đó nằm im nhiều năm trước khi thức tỉnh lần nữa. Tôi đoán, cơ chế loài giun này sử dụng giống với việc di căn ung thư ở người".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS Genetics.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.104