Thành phần của dung dịch bảo quản nội tạng cho một phụ nữ quý tộc thể hiện sự kỳ công trong cách ướp xác của người Ai Cập cổ đại.
Nhóm nhà khoa học do các nhà khảo cổ từ Viện Max Planck (Đức) dẫn đầu hoàn thành một phân tích toàn diện về dầu thơm hay dung dịch ướp xác dùng trong quá trình ướp xác một phụ nữ Ai Cập cổ đại, Ancient Origins hôm 31/8 đưa tin. Theo nhóm nghiên cứu, các thành phần của dung dịch này cho thấy người phụ nữ có địa vị rất cao.
Một trong những bình đá vôi chứa xác ướp của Senetnay. (Ảnh: Christian Tepper/Bảo tàng August Kestner)
Người phụ nữ quý tộc cổ đại này mang tên Senetnay. Nhà Ai Cập học huyền thoại Howard Carter phát hiện xác ướp của bà vào năm 1900, trong một ngôi mộ gần thành phố Luxor ngày nay. Bà sống vào khoảng năm 1.450 trước Công nguyên, trong Vương triều thứ 18 của Tân Vương quốc Ai Cập. Senetnay là nhũ mẫu của pharaoh Amenhotep II khi ông còn nhỏ.
Khi Senetnay chết, nội tạng của bà được ướp và đặt trong 4 chiếc bình. Chúng được cất giữ bên trong một lăng mộ hoàng gia ở Thung lũng các vị vua, nơi thường xuyên chôn cất các pharaoh và quý tộc của Tân Vương quốc Ai Cập.
Trong nghiên cứu mới, công bố trên tạp chí Scientific Reports, các chuyên gia lấy 6 mẫu dầu thơm từ hai bình đựng gan và phổi của Senetnay. Dù những chiếc bình này đã được dọn sạch từ lâu, họ vẫn có thể cạo những mẫu nhỏ dầu thơm khô từ trong bình. Những mẫu này được đem phân tích hóa học để xác định thành phần.
Kết quả, các mẫu dầu thơm từ mỗi bình chứa các thành phần tự nhiên gần giống nhau gồm: sáp ong, mỡ động vật, dầu thực vật, nhựa bitum từ dầu mỏ, nhựa từ thông và các cây lá kim khác. Các nhà khoa học cũng tìm thấy dấu vết của hợp chất hóa học coumarin (có thể chiết xuất từ cây đậu và quế) và axit benzoic (có trong nhựa của nhiều loại cây).
Ngoài những chất chung này, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy hai chất dùng riêng trong bình đựng phổi. Chất đầu tiên là larixol, chiết xuất từ nhựa cây thông rụng lá. Chất thứ hai chưa được xác định rõ, nhưng các nhà khoa học cho rằng đó là một loại nhựa thơm gọi là dammar, có nguồn gốc từ cây ở Ấn Độ và Đông Nam Á, hoặc một loại nhựa khác chiết xuất từ cây thuộc họ điều.
Phát hiện trên cho thấy người Ai Cập cổ đại sử dụng các chất ướp xác chuyên dụng cho những cơ quan khác nhau. Họ đầu tư nghiên cứu kỹ khoa học ướp xác đến mức độ hoàn thiện chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.
Một số nghiên cứu trước đó về dung dịch ướp xác ở Ai Cập cổ đại cho thấy, hầu hết sử dụng hỗn hợp gồm những thành phần tương đối đơn giản, tất cả đều có nguồn gốc từ thực vật địa phương. Nhưng loại dầu thơm dùng để bảo quản nội tạng của Senetnay lại khác. Chúng gồm nhiều thành phần hơn, cho thấy quá trình điều chế phức tạp hơn, thậm chí nhiều thành phần nhập khẩu từ ngoài Ai Cập, đồng nghĩa chúng khó kiếm và đắt đỏ hơn. Dầu thơm làm từ những chất này sẽ chỉ dành cho người có địa vị cao. Nhiều khả năng chúng cũng có chất lượng cao hơn, giúp bảo quản các cơ quan lâu hơn so với những hỗn hợp đơn giản.