Phát hiện “chấn động lịch sử” trong xác ướp 4.000 năm tuổi: Sử sách buộc phải viết lại!

  •  
  • 4.143

Phát hiện khảo cổ mới nhất của các nhà khoa học cho hay, người Ai Cập cổ đại đã tiến hành ướp xác sớm hơn 1.000 năm so với tính toán trước đây của các nhà nghiên cứu lịch sử. Và phát hiện mới nhất về xác ướp này có thể dẫn đến việc sử sách phải viết lại.

Đây là bằng chứng!

Xác ướp Ai Cập cổ nhất mọi thời đại

Các nhà khảo cổ đã khai quật xác ướp tại nghĩa địa Saqqara, phía nam Cairo, vào năm 2019. Chữ tượng hình trên tường của ngôi mộ nơi người quá cố được an nghỉ cho thấy việc chôn cất diễn ra trong thời kỳ Vương triều thứ năm thuộc thời Cổ Vương quốc Ai Cập.

Xác ướp được bảo quản là một nhà quý tộc cấp cao tên là Khuwy.

Dù phát hiện năm 2019 nhưng mãi cho đến nay, sau khi sử dụng kỹ thuật xác định niên đại carbon-14, các nhà nghiên cứu đã nhận định: Xác ướp Khuwy có niên đại hơn 4.000 năm tuổi và là một trong những xác ướp Ai Cập cổ nhất từng được phát hiện.

Xác ướp của Khuwy có niên đại từ thời Cổ Vương quốc Ai Cập (niên đại từ năm 2686 đến năm 2181 TCN), chứng tỏ rằng kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập cổ đại đã có từ khoảng hơn 4.000 năm trước - sớm hơn 1.000 năm so với tính toán của các nhà khoa học hiện đại.

 Một nhà khoa học kiểm tra xác ướp Khuwy.
Một nhà khoa học kiểm tra xác ướp Khuwy. (Ảnh: Ian Glatt / National Geographic / Windfall Films).

Sự tinh vi của quá trình ướp xác và các vật liệu được sử dụng - bao gồm vải lanh đặc biệt tốt và nhựa cây chất lượng cao - không được cho là đã đạt được cho đến 1.000 năm sau (tức là cách đây 3.000 năm). Và đây chính là nhận định "sai lầm" của các nhà khoa học trước đây. Bởi xác ướp "hoàn mỹ" Khuwy đã chứng minh điều đó.

Giáo sư Salima Ikram, Trưởng khoa Ai Cập học tại Đại học Mỹ ở Cairo (Ai Cập) và là chuyên gia hàng đầu về lịch sử ướp xác, nói với Observer/Guardian rằng: "Nếu đây thực sự là xác ướp thời Cổ Vương quốc Ai Cập, tất cả các sách về ướp xác và lịch sử của Cổ Vương quốc Ai Cập sẽ phải viết lại!".

Nữ giáo sư nói thêm: "Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết của chúng ta về sự phát triển của kỹ thuật ướp xác. Các vật liệu được sử dụng, nguồn gốc của chúng và các tuyến đường thương mại liên quan đến chúng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự hiểu biết của chúng ta về Cổ Vương quốc Ai Cập".

Lăng mộ được trang hoàng lộng lẫy cách đây hơn 4000 năm
Lăng mộ được trang hoàng lộng lẫy cách đây hơn 4000 năm. (Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập)

"Từ trước đến nay, chúng tôi nghĩ rằng quá trình ướp xác dưới thời Cổ Vương quốc Ai Cập tương đối đơn giản, với phương pháp sấy khô cơ bản - không phải lúc nào cũng thành công - không cắt bỏ não, và chỉ thỉnh thoảng cắt bỏ các cơ quan nội tạng" - Giáo sư Salima Ikram nói thêm.

Thật vậy, người ta chú ý đến hình dáng bên ngoài của người đã khuất hơn là tỉ mỉ bảo quản nội tạng bên trong. Ngoài ra, việc sử dụng nhựa cây bị hạn chế hơn nhiều trong các xác ướp thời Cổ Vương quốc Ai Cập cho đến nay vẫn được ghi nhận.

Trong khi đó, thực tế là xác ướp này được phủ đầy nhựa cây và vải. Điều này mang đến một ấn tượng hoàn toàn khác về quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại. Trên thực tế, nó giống những xác ướp được tìm thấy sau đó 1.000 năm, các nhà khoa học cho biết.

Lăng mộ nơi xác ướp được tìm thấy có những bức tranh tường lộng lẫy, được vẽ bằng "màu sắc hoàng gia" - một gợi ý cho thấy Khuwy có thể có liên quan đến pharaoh Djedkare Isesi của Vương triều thứ năm. Và Khuwy có thể thuộc dòng dõi "hoàng thân quốc thích" với pharaoh thời đó, My Modern Met bình luận.

Ngôi mộ có kiến trúc hình chữ L, đặc biệt là lối vào đường hầm thường thấy trong các kim tự tháp - đặc biệt là trong Kim tự tháp Giza, càng cho thấy rằng Khuwy là một người có địa vị cao, CNN thông tin.

Thật phi thường!

Những người ướp xác cổ đại đã tắm các thi thể trong loại nhựa xa xỉ từ nhựa cây, để bảo quản phần thịt trước khi tiến hành quấn xác. Xác ướp này được tẩm nhựa cây chất lượng cao và quấn băng cao cấp nhất.

Giáo sư Salima Ikram thốt lên: "Thật phi thường! Lần duy nhất tôi nhìn thấy nhiều loại vải lanh chất lượng tốt như vậy là vào triều đại thứ 21".

Đây là một trong những khám phá quan trọng được tiết lộ trong loạt phim tài liệu của National Geographic, mang tên "Những kho báu đã mất của Ai Cập - Lost Treasures of Egypt", bắt đầu phát hành từ ngày 7 tháng 11 năm 2021.

Series phim tài liệu này được sản xuất bởi Windfall Films và các nhà quay phim theo chân các nhà khảo cổ học quốc tế trong mùa khai quật ở Ai Cập. Khám phá xác ướp sẽ có trong tập 4 - mang tên "Sự trỗi dậy của xác ướp - Rise of the Mummies" - vào ngày 28 tháng 11.

 Tranh vẽ trên tường lăng mộ của Khuwy.
Tranh vẽ trên tường lăng mộ của Khuwy. (Ảnh: Ian Glatt / National Geographic / Windfall Films)

Giáo sư Salima Ikram sẽ xuất hiện trong tập 4 đó cùng với nhà khảo cổ học, Tiến sĩ Mohamed Megahed, người nói về khám phá khảo cổ học mới nhất rằng: "Nếu đó thực sự là Khuwy thì xác ướp 4.000 năm tuổi đó là một bước đột phá trong lịch sử Ai Cập cổ đại nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung".

Khám phá xác ướp trong một ngôi mộ xa hoa ở nghĩa địa Saqqara đã được quay trong phần trước của National Geographic. Cuộc điều tra về niên đại và phân tích của nó xuất hiện trong loạt bài mới. Chữ tượng hình tiết lộ rằng nó thuộc về Khuwy, một gia đình hoàng gia sống cách đây hơn 4.000 năm.

Tom Cook, nhà sản xuất loạt phim của Windfall Films, cho biết: "Các nhà khảo cổ học biết đồ gốm trong lăng mộ thuộc về thời Cổ Vương quốc Ai Cập nhưng lại không nghĩ rằng xác ướp Khuwy là của thời kỳ đó vì nó được bảo quản quá tốt. Họ không nghĩ rằng quá trình ướp xác thời đó lại tiên tiến như vậy".

Vì vậy phản ứng của nhà làm phim đó là sự kinh ngạc tột độ. Từ kinh ngạc đến ngưỡng mộ kỹ thuật ướp xác đỉnh cao của người Ai Cập cổ. Rồi Tom Cook cùng các đoàn khảo cổ bị cuốn vào sức hút khó cưỡng của lịch sử.

Carolyn Payne, biên tập viên phụ trách của National Geographic, nói rằng điều khiến loạt phim này trở nên khác thường là nó theo chân cả một nhóm các nhà khảo cổ học khác nhau trong suốt một mùa và liên tiếp có những phát hiện kinh ngạc.

Người dẫn chuyện của series phim tài liệu nhận xét: "Với mỗi cuộc khai quật thi thể mới của các nhà khảo cổ học, câu chuyện về xác ướp của Ai Cập lại trở nên rõ ràng hơn".

Cập nhật: 27/10/2021 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 4.143