Tìm thấy ngôi mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm?

  •   3,52
  • 7.606

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng di cốt trong ngôi mộ cổ được phát tích tại làng Hạ Đồng, H.Vĩnh Bảo, Hải Phòng có thể là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ phát tích tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng của con người và Hội Khảo cổ học VN tổ chức, diễn ra vào ngày hôm qua (16/1) tại Hà Nội.

Linh cảm ngôi mộ của một người đặc biệt

Ngôi mộ cổ được phát tích vào tháng 4/2014 trong vườn nhà bà Bùi Thị Hiền. Người dân làng H.Vĩnh Bảo đã tìm thấy một chiếc quách gỗ sơn màu đỏ ở độ sâu 2m. Khi bật nắp, ở bên trong quách vẫn còn nguyên bộ hài cốt. Tuy nhiên, khi di chuyển bộ hài cốt sang chiếc tiểu sành mới, nhiều xương tự vụn ra, còn lại xương đầu và một ít xương chân không bị nát vụn. Bà con địa phương đã an táng bộ hài cốt tại nghĩa trang của xã, còn chiếc quách gỗ được giữ lại.

Anh Lê Trung Kiên, một người quen của bà Bùi Thị Hiền, cùng nhà giáo Ngô Văn Hiển (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã chụp lại các mặt của tấm quách đem đến nhờ nhà thư pháp Hán Nôm Lê Thiên Lý, cụ Lương Bắc Tưởng - một người Hoa, hiện đang cư ngụ tại Hải Phòng và cụ Phạm Văn Duyệt - người thông thạo chữ Hán đọc lại các chữ trên tấm quách. Mặc dù, các chữ đã mờ gần hết nhưng những người thông hiểu chữ Hán, Hán Nôm có mặt đã đọc được đoạn thơ sau: Giá độc tất đạt/Trạng Trình khiếu phong/Tâm dĩ nhật chính/Tầm tự quang long/Trùng mộc chủ tôn/Trung sinh nam cự. Bốn chữ cuối có ghi: "Đạt - phong - long - tôn". Khi đó, những người tham gia phát tích ngôi mộ và đọc chữ trên tấm quách linh cảm đây có thể là ngôi mộ của một nhân vật đặc biệt. Bởi, những dòng chữ được đọc thấy trên tấm quách trùng với nhiều dữ liệu về Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông có tên húy là Nguyễn Văn Đạt, dân gian vẫn quen gọi là Trạng Trình. Ngoài ra, cụ Lương Đắc Tưởng còn đọc được hai chữ Kim Lan đứng liền nhau, như ý chỉ về dòng họ danh giá. Sau đó, anh Lê Trung Kiên đến Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người nhờ nghiên cứu tấm quách để tìm chủ nhân của ngôi mộ cổ.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường (giữa) cùng các chuyên gia tiến hành cạo lớp sơn ta để tìm thẻ tre trong tấm ván địa của quách.
PGS-TS Nguyễn Lân Cường (giữa) cùng các chuyên gia tiến hành cạo lớp sơn ta để tìm thẻ tre trong tấm ván địa của quách.

PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, cho hay vào tháng 5/2014, viện đã đề nghị địa phương phối hợp nghiên cứu để làm rõ danh tính chủ nhân của ngôi mộ nhưng không có hồi đáp, việc nghiên cứu tấm quách gỗ cũng dừng lại. Tấm quách được nhà văn - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (người gốc Vĩnh Bảo, Hải Phòng) lưu giữ tại ngôi nhà số 59 Tràng Thi (Hà Nội). Vào tháng 12/2016, khi tấm quách được đưa trở về Bảo tàng Hải Phòng, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người đã phối hợp Hội Khảo cổ học VN quyết định nghiên cứu lại tấm quách.

Chiếc thẻ tre trong tấm ván địa

PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN, kể lại đầu tháng 6.2016, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha có gọi cho ông nhờ xem chiếc quách. "Chiếc quách hình chữ nhật, nắp bị vỡ, có kích thước tương đương với quách gỗ mà tôi và Bảo tàng Nam Định đã khai quật vào ngày 15.9.2011 tại cánh đồng Đầu Chín, thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, H.Vụ Bản, Nam Định còn nguyên bộ hài cốt (có niên đại trong khoảng thế kỷ 16 - 18). Chỉ có khác, mộ ở Cao Phương bên trong là quan tài gỗ, bên ngoài là quách bằng vôi, vữa mật. Còn quách gỗ này là đào thấy trực tiếp trong đất, không có bọc lớp quách hợp chất bên ngoài". Sau đó, PGS-TS Nguyễn Lân Cường đã tách thành của quách ra một đoạn gửi tới Trung tâm hạt nhân (TP.HCM) để phân tích niên đại. Kết quả cho thấy, gỗ làm tấm quách có niên đại khoảng 1.700 năm. Bên cạnh đó, TS khảo cổ học Lê Đình Phụng sau khi xem xét tấm quách đã đưa ra kết luận: Gỗ dùng làm tấm quách là gỗ Ngọc Am, loại gỗ quý hiếm, nếu là dân thường thời phong kiến không thể có được. Cũng theo ông Phụng, quy cách đóng chiếc quách và cách ghép, chất liệu sơn cho thấy thuộc vào thời nhà Mạc.

Sau khi có quyết định nghiên cứu lại tấm quách để xác định danh tính của chủ nhân ngôi mộ, các chuyên gia đã cho mở ván địa của chiếc quách, PGS-TS Nguyễn Lân Cường là người trực tiếp tham gia. Ông kể sau khi cạy hết lớp sơn thứ nhất ở đầu tấm địa, lộ ra lớp sơn bó có trộn cả đất sét ở bên trong, chiếc thẻ tre nằm trong khe của tấm ván địa lộ dần ra. "Chiếc thẻ tre nằm theo thớ dọc nên rất khó lấy ra. Chúng tôi phải khoét dần 2 rãnh dọc theo thẻ với chiều rộng khoảng 5 mm. Gần 2 tiếng sau, chúng tôi mới lấy được chiếc thẻ bằng tre ngà ra khỏi tấm địa. Chiếc thẻ dẹt, dài 265 mm, rộng 9,76 mm, dày 3,79 mm. Ngay lúc đó, tôi dùng kính lúp soi trên thẻ thì thấy lờ mờ có những ô chữ. Chúng tôi đã chụp ảnh ngay vì sợ không khí có thể khiến chữ bị mờ đi", PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho biết.

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý cho hay ngay khi chiếc thẻ được đưa ra, ông đã đọc được chữ Đạt. Sau đó, ông và nhà Hán học Hoàng Phan và cụ Lương Bắc Tưởng đã cùng đọc chữ viết trên chiếc thẻ tre và phát hiện ra chữ Mạc triều trạng nguyên và 2 chữ Cù Xuyên (đạo hiệu của giám sinh Nguyễn Văn Định, thân sinh của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm). "Để kết luận chính xác ngôi mộ có phải là mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hay không chúng ta cần nghiên cứu thêm nữa. Tuy nhiên, với những nghiên cứu bước đầu của các nhà nghiên cứu và sự tham gia của các nhà ngoại cảm cho thấy khả năng rất lớn đây là ngôi mộ của ông. Khi đã xác định đây chính là ngôi mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng ta cần có những biện pháp để bảo tồn", thiếu tướng, PGS-TS Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng của con người, nói.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là ai?

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), tên huý là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16.

Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.

Đạo Cao Đài sau này đã phong thánh cho ông và suy tôn ông là Thanh Sơn Đạo sĩ hay Thanh Sơn chân nhân. Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình.

Cập nhật: 17/01/2019 Theo Thanh Niên
  • 3,52
  • 7.606