Toàn cảnh trận lụt lịch sử ở Thái Lan

  •  
  • 2.496

Người Thái đang phải đối phó với cơn "đại hồng thủy" tồi tệ nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Nước lũ rồi sẽ rút đi nhưng hậu quả của nó chắc chắn sẽ còn dai dẳng.

Dân Thái Lan không lạ gì những cơn lũ và cảnh chạy lũ. Hàng năm, khi mùa lũ về, hình ảnh những ngôi nhà ở miền bắc và miền trung Thái Lan bị ngập lại được ghi nhận. Thế nhưng, lũ lụt trên diện rộng với khối lượng nước khổng lồ như năm nay thì rất nhiều người mới lần đầu tiên trong đời được tận mắt chứng kiến.

Diễn biến cơn "đại hồng thủy"

Từ cuối tháng 7, những cơn mưa lớn bắt đầu đổ xuống miền bắc và các cao nguyên ở miền trung của Thái Lan. Nước tích tụ từ những cơn mưa sau đó chảy vào các sông Chao Phraya, Chi và Mun, trước khi đổ tiếp vào sông Mekong, khiến mực nước tại các sông này lên cao. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi ảnh hưởng của cơn bão Nock-ten làm tăng lượng mưa ở miền bắc và đông bắc Thái Lan, khiến tình trạng ngập lụt trên diện rộng nhanh chóng xảy ra.

Cuối tháng 8, những cơn mưa lớn vẫn không ngừng rơi do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Nhiều tỉnh phía bắc và miền trung Thái Lan bị ngập nặng, nhiều nơi thậm chí ghi nhận mức nước ngập cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

Dòng nước lụt dâng cao dần trong sân bay Don Muong ở thủ đô Bangkok, với mực nước lên tới 90cm, khiến Trung tâm Điều hành Thoát lũ đặt tại đây cũng phải đi sơ tán. (Ảnh: Bangkok Post)
Dòng nước lụt dâng cao dần trong sân bay Don Muong ở thủ đô Bangkok,
với mực nước lên tới 90cm, khiến Trung tâm Điều hành Thoát lũ
đặt tại đây cũng phải đi sơ tán. (Ảnh: Bangkok Post)

Các hệ thống kiểm soát tiêu thoát nước, bao gồm các đập nước liên vòm, các kênh tưới tiêu và các hồ chứa nước đều hoạt động hết công suất, nhưng cuối cùng đã không đủ sức ngăn được dòng nước lụt dâng cao và đổ về phía nam. Một hệ thống đường hầm tiêu thoát nước được khởi công từ năm 2001 cũng đã được sử dụng để ngăn lụt, đặc biệt là cho thủ đô Bangkok, thành phố vốn nằm ở cửa sông Chao Phraya đổ nước ra vịnh Thái Lan.

Trước tình thế nguy cấp và diễn biến phức tạp của trận lụt kéo dài 3 tháng qua, chính phủ Thái Lan đã huy động tất cả các nguồn lực có thể để ngăn lũ tấn công Bangkok, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế... của cả đất nước. Hàng nghìn binh sĩ và rất nhiều người dân đã cùng nhau đắp hàng triệu bao cát để tạo nên những đê chắn lũ tại phòng tuyến phía bắc của thủ đô Bangkok. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra từng cảnh báo nếu tình huống xấu nhất xảy ra, thành phố 12 triệu dân có thể bị ngập tới 1,5m, đồng nghĩa với việc mọi hoạt động tại đây sẽ bị ngừng trệ.

Trong tháng 10, dòng nước lụt đã lan rộng khắp Thái Lan, và một khối lượng nước khổng lồ cuồn cuộn đổ về thủ đô Bangkok. Các đê chắn lũ bị vô hiệu hóa khi nước lũ dâng lên rất nhanh và vượt quá độ cao của đê. Thậm chí, một số đoạn đê đã bị vỡ trước dòng chảy quá lớn của nước lũ.

Thái Lan buộc phải tính đến giải pháp phá một số con đường ở phía đông của thủ đô Bangkok để tạo nên những con kênh dẫn nước lụt chảy sang phía này, rồi sau đó đổ ra biển, nhằm tránh cho trung tâm thành phố khỏi cảnh ngập lụt. Hôm qua, trong bài phát biểu mang tín hiệu khả quan đầu tiên, Thủ tướng Yingluck cho hay nước lụt có thể sẽ rút trong vòng vài ngày tới và tình hình sẽ dần cải thiện.

Lũ lụt đến từ đâu?

Rất nhiều người Thái tự hỏi vì sao đất nước họ phải đối mặt với trận lũ lịch sử suốt 3 tháng qua. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên phải kể tới lượng mưa lớn đột biến trút xuống dồn dập trong một thời gian dài ở miền bắc và miền trung Thái Lan. Các thống kê cho thấy tổng lượng mưa trong 9 tháng đầu năm 2011 tại nhiều địa phương của Thái Lan cao hơn lượng mưa trung bình cũng trong khoảng thời gian này của 3 thập kỷ qua. Tại Chiang Mai, tổng lượng mưa 3 quý đầu năm cao hơn 140%, ở Lamphun là 196%, ở Lampang là 177%, ở Uttaradit là 153% và ở Phitsanulok là 146%. Những con số này cho thấy năm 2010 là một năm mà lượng mưa đổ xuống Thái Lan đạt đỉnh điểm.

Ngoài nguyên nhân khách quan nói trên, cơn "đại hồng thủy" ở Thái Lan còn bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan. Do thiếu các trang thiết bị cần thiết cho việc dự đoán lượng mưa lớn và dồn dập trong thời gian dài, Cục Khí tượng Quốc gia Thái Lan đã không thể dự báo chính xác lượng mưa và dẫn tới những điều chỉnh không hợp lý.

Bản đồ cho thấy nguy cơ ngập nước của các khu vực khác nhau tại thủ đô Bangkok. Mức nguy cơ tăng dần theo độ đậm dần của màu xanh. (Đồ họa: Disaster Warning Centre, Rangsit University, Bangkok Post, Microsoft)
Bản đồ cho thấy nguy cơ ngập nước của các khu vực khác nhau tại
thủ đô Bangkok. Mức nguy cơ tăng dần theo độ đậm dần của màu
xanh. (Đồ họa: Disaster Warning Centre, Rangsit University, Bangkok Post, Microsoft)

Các đập nước của Thái Lan, trong đó có đập lớn nhất mang tên Bhumibol hay đập Sirikit (cùng kiểm soát 22% lượng nước của sông Chao Phraya), đã tích rất nhiều nước thay vì phải xả dần dần, với mục đích dự trữ đủ lượng nước cho nông nghiệp vào mùa khô sắp tới. Vì vậy, khi mưa lớn xảy ra trên diện rộng khiến mực nước các sông dâng cao, nhiều đập nước đã không thể lấy thêm nước vào để điều chỉnh dòng lũ. Sau một thời gian, khi chính mực nước trong các đập lên cao, các đập này buộc phải xả nước và tình hình lũ lụt càng trở nên nghiêm trọng.

Bên cạnh việc dự báo không chính xác về diễn biến thời tiết, việc đất nền bị lún sụt do khai thác nước ngầm quá mức cùng với triều cường dâng cao là những nguyên nhân tiếp theo khiến Thái Lan gặp phải trận lũ lụt lịch sử. Ví dụ điển hình để thấy rõ hai nguyên nhân này là thành phố Bangkok, nơi có đất nền thấp dần so với mực bước biển hàng năm. Thủy triều dâng cao cộng với lượng mưa tại chỗ cũng rất lớn khiến Bangkok vốn dĩ đã phải đối mặt với khả năng ngập lụt ngay cả khi trận lũ lịch sử không xảy ra.

Khi đất nền ở Bangkok và một số vùng duyên hải của Thái Lan bị hạ thấp dần, nơi này chẳng khác nào một chỗ trũng và dòng nước lũ cứ thế đổ về. Triều cường khiến lũ thoát ra biển chậm hơn, từ đó dẫn tới tình trạng ngập lụt.

Hậu quả

Sau 3 tháng chìm trong cơn lũ lịch sử, Thái Lan đã phải chịu hậu quả nặng nề và mọi con số thống kê đều mới chỉ là ước tính ban đầu. Thủ tướng Yingluck hôm 17/10 cho biết quá trình tái thiết sau lũ lụt có thể tiêu tốn của Thái Lan khoảng 3,3 tỷ USD, trong khi ước tính thiệt hại kinh tế bước đầu vào khoảng 4,9 tỷ USD, tương đương với khoảng 1,3 tới 1,5% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm. Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Thirachai Phuvanatnaranubala cho hay các trận lụt còn có thể khiến tăng trưởng kinh tế của nước này giảm xuống còn 1,7% trong năm nay.

Một bé gái đi trong dòng nước lụt gần sông Chao Phraya ở thủ đô Bangkok hôm 24/10. (Ảnh: AFP)
Một bé gái đi trong dòng nước lụt gần sông
Chao Phraya ở thủ đô Bangkok hôm 24/10. (Ảnh: AFP)

Ít nhất 381 người đã thiệt mạng trong cơn "đại hồng thủy", trong khi đời sống của khoảng 2,3 triệu người bị ảnh hưởng vì lũ lụt. Khoảng 113.000 người dân hiện phải sống trong 1.700 khu sơ tán được lập nên khắp Thái Lan. Trận lũ lịch sử gây ảnh hưởng trực tiếp tới một phần ba số tỉnh và ba phần tư diện tích Thái Lan, trong đó có 300.000 ha đất nông nghiệp.

Nước lũ rồi sẽ rút, có thể trong vài ngày tới hoặc lâu hơn, nhưng hậu quả mà nó để lại chắc chắn sẽ còn dai dẳng. Ngành công nghiệp sản xuất của Thái Lan bị giáng một đòn mạnh, khi 930 nhà máy tại 28 tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất bị đình đốn dẫn tới nhiều người dân không có hoặc mất việc làm, một yếu tố sẽ làm nảy sinh những vấn đề xã hội khó giải quyết. Những cánh đồng ngập trắng cũng sẽ tác động lớn tới sản lượng nông nghiệp của Thái Lan trong năm nay.

Với tất cả những hậu quả về mọi mặt đối với Thái Lan, trận lũ lụt lịch sử năm 2011 được coi là cơn "đại hồng thủy" tồi tệ nhất từ trước đến nay xét theo lượng nước khổng lồ và số người chịu ảnh hưởng.

Theo Vnexpress
  • 2.496