Tống Nhục Tông: Lễ trừ tà cho người chết vì treo cổ với quy tắc kỳ lạ

  •  
  • 1.204

Từ xưa đến nay, mọi người luôn giữ một thái độ kính trọng và nỗi sợ nhất định đối với người đã khuất, nhất là những người có cái chết bất thường như tự sát hay treo cổ. Ở nhiều nước khác nhau, tùy thuộc những vùng miền khác nhau đều có các nghi lễ hiến tế, thanh tẩy, tiễn đưa và giúp an ủi linh hồn người đã khuất

Đối với người Đài Loan, khi một người chọn cách treo cổ để kết thúc cuộc đời, người thân của họ thường sẽ phải tổ chức lễ Tống Nhục Tông (gửi bánh ú) để xua đuổi tà ma, mong người đã khuất được siêu thoát và mang đến sự yên bình đối với những người còn sống.

Nghi lễ Tống Nhục Tông là một nghi thức dân gian từ lâu đời ở Đài Loan.
Nghi lễ Tống Nhục Tông là một nghi thức dân gian từ lâu đời ở Đài Loan.

Thực tế, nghi lễ Tống Nhục Tông là một nghi thức dân gian từ lâu đời rất nổi tiếng ở khu vực Lộc Cảng, tỉnh Chương Hóa, Đài Loan. Sau này khi truyền thông phát triển hơn, những câu chuyện rùng rợn thêu dệt xung quanh nghi lễ này bắt đầu được lan truyền đã mang đến nỗi sợ hãi rất lớn đối với người dân.

Bên cạnh đó, những bộ phim kinh dị lấy ý tưởng từ lễ "gửi bánh ú" càng làm tô đậm thêm sự kinh hoàng, khiến cho mỗi lần nhắc đến Tống Nhục Tông, mọi người lại nghĩ đến một điều gì đó rất khủng khiếp, rất tà ác.

Lễ Tống Nhục Tông được cho là có nguồn gốc từ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Do Lộc Cảng là một trong những cảng biển quan trọng của Đài Loan nên đã sớm du nhập phong tục dân gian này rồi phát triển thêm và trở thành một nét văn hóa của người dân nơi đây.

Lễ Tống Nhục Tông được cho là có nguồn gốc từ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc
Lễ Tống Nhục Tông được cho là có nguồn gốc từ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc

Những năm gần đây, nghi thức Tống Nhục Tông không chỉ được tổ chức ở Lộc Cảng mà đã lan truyền đến nhiều khu vực khác như Cao Hùng, Bình Đông, Vân Lâm… Trên cơ sở kế thừa phong tục dân gian, mỗi nơi sẽ có sự cải tiến khác nhau, nhưng nỗi sợ mà nghi lễ này mang đến đối với người dân địa phương thì ở đâu cũng không thay đổi.

Tống Nhục Tông hay "gửi bánh ú" là cách nói ngụ ý về nghi lễ dành cho những người chết bằng cách treo cổ. Do loại bánh ú của Đài Loan thường được ràng lại bằng những sợi dây, giống như hình ảnh người chết dùng dây để treo cổ. Người xưa muốn nói giảm nói tránh để bày tỏ sự tôn trọng đối với người đã khuất, cũng là cách để khiến cho người thân ở lại cảm thấy được an ủi hơn.

Người Đài Loan tin rằng chết bằng cách treo cổ là cái chết kinh khủng nhất và người này khi còn sống chắc chắn phải có nhiều nỗi oan tình, khuất tất. Chính vì thế khi họ chết, oán khí sẽ tích tụ lại trên mặt đất, trong các di vật để lại, oan hồn cũng sẽ đi phá phách mọi người, thậm chí là tìm người "thế mạng" để có thể đi đầu thai. Do đó mục đích của lễ Tống Nhục Tông chính là để đuổi tà ma và cầu siêu cho người đã khuất.

Đây là nghi lễ dành cho những người chết bằng cách treo cổ. 
Đây là nghi lễ dành cho những người chết bằng cách treo cổ.

Không phải ai cũng có khả năng tổ chức một buổi lễ Tống Nhục Tông, đó phải là những pháp sư hoặc đạo sĩ có kinh nghiệm và chi phí cho một buổi lễ này là không hề nhỏ. Được biết để tổ chức một buổi "gửi bánh ú" tốn từ 50-60 nghìn Đài tệ (khoảng 40-50 triệu đồng), nếu nghi lễ do nhà chùa lo liệu, chi phí có thể lên đến 300 nghìn Đài tệ (khoảng 247 triệu đồng).

Trước khi nghi thức diễn ra, tuyến đường di chuyển của đoàn Tống Nhục Tông sẽ được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Thường bắt đầu ở một đền chùa gần nơi người chết nhất và kết thúc ở bờ biển hoặc mương nước lớn.

Người dân địa phương đều nhận được thông báo để ở trong nhà vào thời điểm lễ diễn ra, tránh chạm mặt. Tại các ngã tư của tuyến đường Tống Nhục Tông đều có bày biện bàn lễ, hàng rào được dựng lên với thông báo: "Xin lỗi, vui lòng chuyển hướng".

Khi tiến hành lễ, pháp sư và đạo sĩ sẽ mặc bộ áo rồng và hổ, nhảy điệu Chung Quỳ. Họ sử dụng nhiều loại pháp khí như bùa giấy, chuông đồng, tù và bằng sừng, chiếu rơm, muối, gạo, chổi… bắt đầu thực hiện nghi lễ mời các vị thần ở đền chùa về giúp đỡ trấn áp tà ma. Tiếp theo, pháp sư sẽ dùng hình nhân bằng giấy và cỏ, bỏ vào trong thùng chứa vàng mã rồi rước ra khỏi nhà gia chủ.

Mục đích của lễ Tống Nhục Tông chính là để đuổi tà ma và cầu siêu cho người đã khuất.
Mục đích của lễ Tống Nhục Tông chính là để đuổi tà ma và cầu siêu cho người đã khuất.

Những đồ dùng của người quá cố phải được thu dọn. Nếu người chết treo cổ trên xà nhà, một phần xà phải được tháo ra. Nếu treo cổ ở cửa, toàn bộ cửa phải được gỡ bỏ. Quan trọng nhất là sợi dây treo cổ của người đã khuất nhất định phải được mang theo.

Đoàn Tống Nhục Tông sẽ đốt pháo và gõ cồng chiêng inh ỏi suốt tuyến đường, người cuối cùng của đoàn thì liên tục dùng chổi quét. Vật dụng của người đã khuất được rước ra bờ biển hoặc một mương lớn sau đó đốt ở đây, ngụ ý là tà ma sẽ theo dòng nước trôi ra biển, không thể quay về nữa.

Kết thúc buổi lễ, tất cả phải im lặng, không được khua chiêng gõ trống, âm thầm về chính điện và sư phụ tại đây sẽ thắp nhang, rước linh hồn người đã khuất về tụng kinh siêu độ.

Đoàn Tống Nhục Tông sẽ đốt pháo và gõ cồng chiêng inh ỏi suốt tuyến đường
Đoàn Tống Nhục Tông sẽ đốt pháo và gõ cồng chiêng inh ỏi suốt tuyến đường.

Tống Nhục Tông vốn là chỉ một nghi lễ dân gian được nhiều người dân tin tưởng nhưng xung quanh buổi lễ này có nhiều câu chuyện truyền miệng vô căn cứ càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi của mọi người.

Chẳng hạn như có người phụ nữ vì lén xem đoàn Tống Nhục Tông ngang qua nhà sau đó cãi nhau với chồng một trận rất dữ dội, cuối cùng cô ta chọn cách thắt cổ tự sát.

Một câu chuyện khác nói rằng có thanh niên nọ vì không tin nên cũng lén xem buổi lễ Tống Nhục Tông từ cửa sổ, sau đó cậu bỗng thấy ớn lạnh rồi mất đi ý thức. Cũng may mẹ của thanh niên này phát hiện cậu ta đang treo cổ trên xà nhà, cứu được kịp lúc. Khi tỉnh dậy thanh niên này chẳng nhớ mình đã làm gì, cũng không hiểu sao mình lại có hành động dại dột đó.

Lễ Tống Nhục Tông
Có nhiều câu chuyện truyền miệng vô căn cứ càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi của mọi người về nghi lễ này.

Bên cạnh đó, nhiều người nói rằng nếu tuân thủ các quy tắc của lễ Tống Nhục Tông thì không có gì phải sợ. Một số quy tắc chẳng hạn như: đã theo đoàn phải theo đến cùng, không được nói tên mình, không được lén nhìn nếu không phải người trong đoàn, không được quay đầu ra sau nói chuyện trên đường về, không được đeo vòng cổ hoặc khăn choàng, phụ nữ không được tham gia…

Thông thường người dân địa phương sẽ được yêu cầu ở trong nhà, đóng chặt cửa khi có đoàn lễ đi ngang. Tuy nhiên trong trường hợp ai đó lỡ nhìn thấy buổi lễ thì mọi người khuyên rằng người đó nên tham gia vào đoàn đến cuối lễ để tránh điều xui rủi cho bản thân.

Lễ Tống Nhục Tông cũng giống các nghi lễ cúng khác, nên được nhìn nhận một cách đúng đắn cùng với sự tôn trọng thì sẽ không mang đến nhiều rắc rối và nỗi sợ hãi không đáng có.

Cập nhật: 25/06/2021 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 1.204