Trong tháng 10, cả nước sẽ tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi, nơi buôn bán giết mổ gà vịt. Đây là biện pháp nhằm khống chế dịch cúm.
Hướng dẫn tiêm phòng văcxin. Ảnh: Cục Thú y |
Để khống chế dịch, Bộ trưởng Phát yêu cầu các địa phương cần tích cực tổ chức tiêm văcxin cho gia cầm, thủy cầm. Do việc nhập khẩu thuốc tiêm phòng về chậm so với kế hoạch khoảng 3 tuần, các tỉnh thành phố cần điều chỉnh kế hoạch tiêm đại trà. Tuy nhiên vẫn phải hoàn thành công việc này trong tháng 11.
Ông Phát cho rằng giải pháp lâu dài để ngăn chặn dịch cúm là phải tổ chức lại phương thức chăn nuôi gia cầm, di dời cơ sở chăn nuôi trong nội thành, nội thị ra xa khu vực đông dân cư, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và môi trường. Địa phương cần tạo điều kiện về đất đai, hỗ trợ kinh phí di dời.
Ngoài ra, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cũng yêu cầu các địa phương có sở thú, vườn quốc gia, khu bảo tồn cần có nội quy cụ thể đối với khách tham quan cũng như cán bộ, nhân viên để hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người và động vật hoang dã, giảm thiểu nguy cơ lây bệnh sang người.
Theo Cục Thú y, trong tháng 8, cả nước phát hiện 2 ổ dịch nhỏ. Ngày 9-8, trại gà Tam Hoàng của bà Phạm Thị Dũng ở xã Bình Thắng, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, liên tục có gà chết. Tổng số 1.610 con đã chết trên tổng đàn 1.800 con. Sau đó, ngày 23-8, dịch cúm gia cầm phát ra tại 2 hộ chăn nuôi vịt ở xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hơn 350 vịt đã chết trong tổng đàn 1.190 con. Toàn bộ số gia cầm và thủy cầm còn lại của các hộ gia đình trên đã được tiêu hủy, khu chăn nuôi được vệ sinh, tiêu độc.