Bạn hẳn từng nghe đến Blackbeard từ bộ phim "Cướp biển vùng Caribbean", một tên cướp biển độc ác với những giai thoại bí ẩn. Nhưng bạn có biết Captain Kidd, Calico Jack, hay Sir Francis Drake hay không?
Hãy cùng tìm hiểu về 8 tên cướp biển nổi tiếng nhất lịch sử thế giới trong bài viết dưới đây.
Giong buồm từ vùng biển Barbary của Bắc Phi, anh em nhà Barbarossa (có nghĩa là "râu đỏ" trong tiếng Italia) Aruj và Hizir trở nên giàu có nhờ đánh chiếm các tàu hàng châu Âu tại vùng biển Địa Trung Hải. Ban đầu, những nạn nhân giàu có bậc nhất của bộ đôi cướp biển này bao gồm hai tàu của giáo hội và một tàu chiến Sardinian; sau đó chúng bắt đầu nhắm vào tàu Tây Ban Nha khi Aruj mất một cánh tay trong trận chiến với họ.
Năm 1516, quốc vương Ottoman đã trao cho Aruj quyền quản lý toàn bộ vùng biển Barbary, vị trí mà Hizir thay thế hai năm sau đó khi người anh qua đời. Hizir, còn được biết đến với cái tên Khair-ed-Din, đã dành suốt phần đời còn lại để chiến đấu với nhiều kẻ thù Cơ Đốc, bao gồm cả một hạm đội với tên gọi "Liên minh thần thánh" được Giáo hoàng lập ra để tiêu diệt Hizir.
Francis Drake, được Nữ hoàng Elizabeth I đặt biệt danh là "chàng cướp biển của tôi", là một trong số những cướp biển với tên gọi "Sea Dog" mà chính quyền Anh cấp phép để thực hiện việc săn lùng và tấn công các tàu hàng Tây Ban Nha (những cướp biển này được gọi là "privateer"). Drake có những chuyến đi nổi tiếng nhất từ năm 1577 đến 1580, trở thành thuyền trưởng người Anh đầu tiên đi vòng quanh thế giới. Cũng trong chuyến đi đó, ông mất 4 trong số 5 tàu, xử tử một tên cấp dưới với cáo buộc âm mưu nổi loạn, đánh phá nhiều hải cảng ở Tây Ban Nha và chiếm một tàu hàng chứa đầy châu báu của nước này.
Quá ấn tượng, Nữ hoàng Elizabeth lập tức phong tước hiệp sỹ cho ông ngay khi trở về. Tám năm sau đó, Drake giúp nước Anh đánh bại hạm đội Tây Ban Nha.
L'Olonnais là một trong nhiều cướp biển "buccaneer" - vừa được chính quyền tài trợ (privateer), lại vừa hoạt động ngoài vòng pháp luật (pirate) - giong buồm trên biển Caribbean từ giữa đến cuối thập niên 1600. Còn được biết đến với tên gọi Jean-David Nau, L'Olonnais được cho là đã bắt đầu cướp bóc tàu hàng Tây Ban Nha lẫn người dân vùng duyên hải - và nổi tiếng vì sự tàn bạo kinh hoàng của mình - không lâu sau khi đặt chân đến vùng Caribbean với tư cách một gã học việc.
Nhà sử học chuyên về cướp biển ở thế kỷ 17, Alexander Exquemelin, viết rằng L'Olonnais có lúc băm các nạn nhân ra thành từng mảnh, hay siết một sợi thừng quanh cổ họ cho đến khi mắt họ phải lồi ra ngoài. Nghi ngờ mình bị phản bội, L'Olonnais thậm chí còn cắt quả tim của một người đàn ông ra và cắn một miếng! Tuy nhiên, nghiệp đã quay lại và "quật" L'Olonnais vào năm 1668, khi mà theo Exquemelin thì gã đã bị bắt và ăn tươi nuốt sống bởi những kẻ ăn thịt người.
Có lẽ là tên cướp biển "buccaneer" nổi tiếng nhất lịch sử, Henry Morgan từng ra lệnh cho lính dồn hết người dân địa phương ở Puerto Principe (Cuba) vào một nhà thờ để gã có thể tự do cướp bóc thị trấn mà không bị cản trở. Sau đó, gã đánh chiếm Porto Bello (Panama) bằng cách lập một tấm khiên người từ các thầy tế, phụ nữ, và cả thị trưởng nữa. Trong vài năm tiếp đó, Henry Morgan tiếp tục thực hiện nhiều vụ cướp bóc tàn bạo ở hai thị trấn thuộc Venezuela và thành phố Panama.
Dù bị bắt vào năm 1672, nhưng bằng cách nào đó Morgan cuối cùng được làm thống đốc Jamaica vào năm 1678 và một lần nữa từ 1680 đến 1682. Mỉa mai thay, dưới thời của gã, cơ quan lập pháp Jamaica còn đưa ra một bộ luật chống cướp biển, và Morgan thậm chí đã tham gia hỗ trợ xét xử những tên cướp biển nữa!
Từng là một cướp biển privateer được tôn trọng, Captain William Kidd giong buồm ra khơi vào năm 1696 với sứ mệnh săn lùng những tên cướp biển đang hoành hành ở vùng Ấn Độ Dương. Nhưng không lâu sau đó, kẻ đi săn đã biến thành chính mục tiêu săn đuổi của mình, đánh chiếm nhiều tàu như Quedagh Merchant và giết chết một kẻ dưới trướng bằng một cái xô gỗ. Một cuộc đào ngũ hàng loạt đã diễn ra, và Captain Kidd chỉ còn lại một hạm đội với quân số tối thiểu trên đường về nhà (hạm đội này đã dừng lại ở đảo Gardiners của New York để chôn châu báu!). Đụng độ với Công ty Đông Ấn Anh hùng mạnh, Kidd bị bắt trước khi kịp quay về Anh, sau đó bị mang ra xét xử và kết án tử hình. Thi thể thối rữa của gã được mang ra đặt bên bờ sông Thames để cảnh cáo những tên cướp biển khác.
Có tên khai sinh là Edward Teach, Blackbeard hăm doạ kẻ thù bằng cách quấn những đầu thuốc lá vào bộ râu dài, bện xoắn của mình, cũng như đeo nhiều loại súng lục lẫn dao găm trước ngực. Vào tháng 11/1717, gã đánh chiếm một tàu nô lệ của Pháp, đối tên nó thành Queen Anne's Revenge, và lắp vào đó 40 nòng súng. Với dàn hoả lực khủng, Blackbeard bao vây cảng Charleston, Nam Carolina, cho đến khi cư dân thị trấn đáp ứng nhu cầu của hắn là một rương lớn chứa đầy dược phẩm. Sau khi ẩn nấp vài tháng tại Bắc Carolina, Blackbeard đã bị tiêu diệt trong một trận chiến với Hải quân Anh.
Truyền thuyết kể lại rằng gã đã nhận 20 cú đâm và 5 cú bắn trước khi từ biệt thế giới. "Thời đại vàng của cướp biển", trong đó Blackbeard là một cái tên làm mưa làm gió, chỉ tồn tại thêm một vài năm nữa mà thôi. Nhưng vô số sách, nhạc kịch, và phim ảnh - từ Đảo châu báu cho đến Cướp biển vùng Caribbean - đều đã mang lại cho khán giả một phiên bản hoa mỹ hơn của thời đại đó.
John Rackam, nổi tiếng với tên gọi Calico Jack, được xá tội cướp biển vào năm 1719. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, gã đã nhanh chóng "ngựa quen đường cũ" sau khi cướp được một tàu chiến 12 súng tại cảng Nassau, Bahamas. Trong số một chục kẻ đi theo Rackam là 2 trong số những nữ cướp biển hiếm hoi từng "gây bão" trên biển Caribbean. Một người tên Anne Bonny, bỏ chồng để đi theo Rackam; người còn lại, Mary Read, đã cải trang thành nam giới để ra khơi từ một thời gian trước đó. Vào tháng 10/1720, một tàu lùng cướp biển đã đánh úp băng đảng đang say xỉn của Rackam. Chỉ có Bonny, Read, và thêm một gã cướp biển khác chống cự. Dù Rackam bị xử tử sau đó một tháng, hai người phụ nữ nói trên may mắn thoát án treo cổ vì đều đang mang thai. Read chết trong tù không lâu sau đó, còn Bonny thì bặt vô âm tín mãi về sau này.
Năm 1805, chồng của Madame Cheng, Cheng Yih, thành lập nên thứ mà sau đó nhanh chóng trở thành liên đoàn cướp biển lớn nhất trong lịch sử thế giới. Sau khi Yih qua đời 2 năm sau đó, Madame Cheng nắm quyền kiểm soát liên đoàn và mở rộng nó hơn nữa; theo ước tính, ở đỉnh cao quyền lực, người phụ nữ này chỉ huy đến 1.800 tàu và 70.000 tên cướp biển dưới trướng. Với sự trợ giúp của Cheung Po Tsai - con nuôi của chồng, đồng thời là tình nhân của mình - bà ta đã đòi tiền bảo kê từ các cộng đồng duyên hải, tấn công vô số tàu trên Biển Đông, và thậm chí có lúc còn bắt cóc 7 thuỷ thủ người Anh. Madame Cheng sau đó được xá tội vào năm 1810 khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu triệt phá nạn cướp biển. Từng làm gái mại dâm khi còn trẻ, lúc về già, Madame Cheng điều hành một đường dây buôn bán thuốc phiện cực lớn!