TP.HCM: Bảo quản xương sọ để cấy ghép

  •  
  • 1.291

Trao đổi với PV ngày 18/1, TS Trần Công Toại, Phó Chủ nhiệm bộ môn Mô phôi thuộc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, cho biết phòng thí nghiệm Vật liệu Sinh học của bộ môn sau khoảng 5 năm, đã bảo quản được hơn 10.000 mảnh xương sọ. 

Một mảnh xương sọ của bệnh nhân được bảo quản trong điều kiện -85 độ C tại Phòng thí nghiệm Vật liệu Sinh học. (Ảnh: VietNamNet)

Phòng thí nghiệm Vật liệu Sinh học đã xây dựng chương trình bảo quản những mảnh xương sọ từ những năm 2000. Các mảnh xương được bảo quản ở đây sẽ được cấy ghép lại cho chính các bệnh nhân đó.

Những mảnh xương sọ được bảo quản tại đây là từ những người bị tai nạn giao thông hoặc của bệnh nhân bị bệnh lý mổ sọ não lấy ra.

TS Toại cho biết, phòng thí nghiệm cũng sẵn sàng tiếp nhận các mảnh sọ được hiến, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một ai.

Cho đến năm 2005, trên 5.000 ca đã được cấy ghép lại từ các mẫu xương sọ lưu trữ được nơi này.

TS Toại cho biết, Phòng thí nghiệm Vật liệu Sinh học chỉ thực hiện việc bảo quản xương trên tinh thần nghiên cứu khoa học nên chỉ thu từ người bệnh một phần chi phí bảo quản vào khoảng 100.000-200.000 đồng.

Tính chung, chi phí bảo quản xương sọ ở Phòng thí nghiệm Vật liệu Sinh học trung bình 80.000 đồng/tháng.

Trong trường hợp chưa cần hoặc điều kiện y khoa chưa cho phép phẫu thuật ngay, các phẫu thuật viên có thể chỉ định bảo quản lại mảnh xương sọ cần ghép. Mảnh xương sọ cần ghép sẽ được bảo quản tại phòng thí nghiệm này với sự đồng ý của bệnh nhân hoặc thân nhân của bệnh nhân.
 
Theo các nhà phẫu thuật thần kinh, một xương sọ được bảo quản và đem ghép lại cho bệnh nhân sẽ đem lại nhiều lợi ích cả cho bệnh nhân và cho y học.

TS. Trần Công Toại bên cạnh "ngân hàng xương sọ mini" (Ảnh: VietNamNet)

Trước hết, về mặt chống thải ghép, vật liệu cấy ghép từ chính cơ thể bệnh nhân nên không có hiện tượng thải ghép vật lạ khi được cấy ghép vào cơ thể. 

Ngoài ra, vật liệu sinh học được chế tạo bằng các phương pháp nhân tạo để ghép có giá tới 3 triệu đồng. Vì vậy, về mặt xã hội, nhờ ghép bằng chính xương sọ của bệnh nhân đã có thể tiết kiệm được 15 tỷ đồng cho 5.000 ca ghép trong suốt 5 năm qua.

Các mảnh xương sọ được bảo quản trong điều kiện lạnh từ -80oC trở xuống. Kỹ thuật bảo quản hiện nay cho phép bảo quản mảnh xương sọ của bệnh nhân trong  5 năm.

Ngoài ra, phòng thí nghiệm cũng có đủ các trang thiết bị, hoá chất bảo quản sẵn sàng nhằm tiếp tục thành lập một ngân hàng khác để tiếp nhận bảo quản các giác mạc.

Trong tương lai, phòng thí nghiệm sẽ đẩy mạnh nghiên cứu về nuôi cấy tế bào sợi. Bước thứ hai là cấy ghép tế bào trên san hô để tăng hiệu quả ghép.

Ngay trong năm 2006, Phòng thí nghiệm Vật liệu Sinh học sẽ hợp tác với ThS Phan Kim Ngọc trường ĐH Khoa học - Tự nhiên TP.HCM để nghiên cứu về tế bào gốc.

Hương Cát

Theo VietNamNet
  • 1.291