Trái đất "rùng mình", báo hiệu sự ra đời một siêu lục địa?

  •  
  • 3.575

Các châu lục của trái đất đã nhiều lần khắc nhập – khắc xuất. Và một lần khắc nhập nữa để tạo nên siêu lục địa giả thuyết Pangea Proxima dường như đang bắt đầu.

Vào đầu năm 2019, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Curtin (Perth - Úc) đã vẽ lại lịch sử dữ dội của các châu lục nhờ các bằng chứng họ có được về Mirovoi – một siêu đại dương bị nuốt chửng.

Nghiên cứu ghi nhận được phần đất đai cổ xưa nhất của Trái đất tên Nuna, một siêu lục địa được bao quanh bởi siêu đại dương duy nhất trải khắp phần còn lại của địa cầu, tồn tại 1,6-1,4 tỉ năm trước. Nhưng Trái đất bỗng rung chuyển: dường như có một con quái vật ẩn nấp dưới siêu đại dương, nuốt dần nó đến mức đất đai bị kéo về phía bị nuốt, xé rách Nuna thành nhiều châu lục. Để giữ sự cân bằng, con quái vật không quên nhả ra vài đại dương nhỏ xen lẫn Nuna.

Hình ảnh Trái đất 240 triệu năm trước với siêu lục địa Pangea ngự trị
Hình ảnh Trái đất 240 triệu năm trước với siêu lục địa Pangea ngự trị - (ảnh: Ancient Earth Globe).

"Con quái vật" của Trái đất thực ra là một hoạt động kiến tạo mảng gọi là "hút chìm". Hút chìm xảy ra tại ranh giới hội tụ của các mảng kiến tạo ở lớp vỏ ngoài cùng của Trái đất, khiến một mảng chuyển động xuống dưới mảng kia, gần như bị nuốt vào trong manti trái đất. Ngược lại, ở đâu đó trên địa cầu, sẽ đồng thời có những mảng kiến tạo khác từ thẳm sâu ngoi lên.

900 triệu năm trước, con quái vật hút chìm lại trỗi dậy, nuốt các đại dương nhỏ xen lẫn các châu lục , kéo đất đai lại với nhau thành một siêu lục địa mới mang tên Rodinia bao quanh bởi siêu đại dương Mirovoi. 320 triệu năm trước, con quái vật lại xuất hiện ở giữa siêu đại dương, nhưng lần này nó mạnh đến nỗi không chỉ xé rách Rodinia mà kéo hẳn các phần bị xé về hướng ngược lại của trái đất, kết thành siêu lục địa mới là Pangea. 200 triệu năm trước, hút chìm lại tái diễn giữa siêu đại dương, sinh ra 6 châu ngày nay.

Tình cờ, ngay sau nghiên cứu nói trên, 2 nghiên cứu khác lần lượt công bố vào tháng 5 và tháng 6-2019 cho rằng Trái đất đã… bắt đầu hút chìm lần nữa.

Công trình thứ nhất dẫn đầu bởi  Viện Nghiên cứu Dom Luiz thuộc Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha) đã phát hiện vỏ Trái đất bị bong tróc ở ngoài khơi đất nước này. Một mảng kiến tạo đang chuyển mình,  kéo khối đất ở Châu Âu lại gần phía Canada.

Nghiên cứu khác từ Trung tâm Tiến hóa và Động lực học Trái đất thuộc Đại học Oslo (Na Uy) thì phát hiện chu trình nước sâu của trái đất đang mất cân bằng rõ rệt: hành tinh của chúng ta liên tục "ăn bớt" một ít nước mỗi năm.

Tuy thứ bị ăn mới chỉ là nước, nhưng các nhà khoa học đã liên hệ nó với lần mất cân bằng chu trình nước sâu lớn nhất xảy ra 200 triệu năm trước: khi siêu lục địa Pangaea bị xé rách bởi hút chìm. Lúc đó, Trái đất có nhả ra các phần đại dương nó đã nuốt, tuy nhiên cũng bớt xén không ít khiến mực nước toàn cầu giảm tới 130 mét.

Các nhóm khoa học gia nói trên đều cho rằng những sự kiện nói trên có thể là bằng chứng cho thấy trái đất lại "rùng mình", chuẩn bị hợp nhất các châu thành Pangea Proxima huyền thoại. Nhưng bạn không nên quá lo nó gây ra điều gì đó trong đời bạn. Vì sự hình thành siêu lục địa là cực chậm. Nếu quả thật Pangea Proxima đang ra đời, nó cũng mất ít nhất 50 triệu năm để thành hình, một thời gian quá dài đối với lịch sử bất kỳ loài nào từng tồn tại trên Trái đất.

Cập nhật: 04/09/2019 Theo NLĐ
  • 3.575