Tranh chấp tên miền: Bao giờ mới có hồi kết?

  •  
  • 108

Vừa qua, trong quá trình xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) Thanh tra Bộ KH&CN đã phát hiện nhiều vụ việc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền. Thanh tra Bộ KH&CN đã đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thu hồi các tên miền đã vi phạm, nhưng VNNIC đã không đồng ý như vậy.

Thanh tra Bộ KH&CN: thu hồi!

Gần đây, ở nước ta phát sinh nhiều tranh chấp tên miền. Nhưng phổ biến là dạng tranh chấp phát sinh giữa một bên chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá (NHHH) với bên chiếm giữ tên trùng tên nhãn hiệu, song vẫn được VNNIC cấp đăng ký dưới dạng tên miền. Khi có khiếu nại bảo vệ việc cấp phát tên miền “.vn” như đã xảy ra với các NHHH như Heineken, Tiger Beer, Ford. Visa, Trung Nguyên, Vietcombank… quan điểm của VNNIC thường không nhất quán. Việc cấp phát, thu phí tên miền dường như cơ quan quản lý chưa cân nhắc giảm thiểu việc xâm hại đến quyền lợi của chủ thể khác. VNNIC áp dụng nguyên tắc “Ai đăng ký trước được cấp trước“ và “Bình đẳng không phân biệt”.

Cà phê Việt Nam thương hiệuTrung Nguyên cũng đã từng bị tranh chấp. (Ảnh: HNMĐT)

Thực tế, nguyên tắc trên chỉ là phần nhỏ trong nhiều nguyên tắc khác theo quy định của ngành cũng như quy định pháp luật khác mà lẽ ra VNNIC phải vận dụng khi giải quyết việc cấp phép hoặc giải quyết tranh chấp tên miền. Trong Quyết định số 27/2005/QĐ-BBCVT, ngày 11/8/2005 của Bộ Bưu chính - Viễn thông có nhiều nguyên tắc áp dụng cho việc đăng ký, khai thác tên miền hơn chỉ vỏn vẹn 2 nguyên tắc mà VNNIC nêu ra.

Bà Hoàng Minh Hiền, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, thời gian qua, thanh tra Bộ KH&CN đã nhận được nhiều đơn yêu cầu xử lý các hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý tương ứng. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ.

Để xử lý các hành vi vi phạm nêu trên, Luật sở hữu trí tuệ (khoản 3, Điều 211) và Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp (điều 16) đã dẫn chiếu xử phạt các hành vi này theo quy định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh (Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005). Tuy nhiên Nghị định 120/2005/NĐ-CP lại chưa quy định chế tài xử phạt đối với các hành vi này.

Vì vậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân cũng như thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, trong khi chờ bổ sung, hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt đối với hành các vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, Thanh tra Bộ KH&CN đã có văn bản đề nghị VNNIC xử lý việc này. Theo đó, đối với các vụ việc mà Thanh tra Bộ KH&CN kết luận là hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại điểm d, khoản 1, điều 130 Luật sở hữu trí tuệ, VNNIC căn cứ vào điểm a, điểm b, khoản 3, điều 13, Quyết định số 27/2005/QĐ-BBCVT ngày 11/8/2005 của Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet để thu hồi tên miền đã vi phạm.

VNNIC: Phải khởi kiện ra toà

Đáp lại đề nghị nêu trên của Thanh tra Bộ KH&CN, đại diện VNNIC cho rằng: Việc giải quyết tranh chấp tên miền là vấn đề còn mới và chưa có các quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Việc giải quyết các vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh đã được Luật Sở hữu trí tuệ quy định tại điều 198 sẽ phải được thực hiện thông qua quyền tự bảo vệ bằng hình thức yêu cầu áp dụng các biện pháp dân sự tại toà án. Như vậy việc giải quyết các vụ việc này hiện tại chỉ có Toà án mới là người có thẩm quyền quyết định.

Về vấn đề giải quyết tranh chấp tên miền, VNNIC cho rằng, Luật Công nghệ thông tin tại điều 68 cũng đã giao cho Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định việc đăng ký, quản lý, sử dụng và giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “VN”. Hiện Bộ Bưu chính, Viễn thông đang trong quá trình xây dựng quy định về giải quyết tranh chấp tên miền “VN”. Vì vậy, VNNIC đã đề nghị Thanh tra Bộ KH&CN liên hệ trực tiếp với Bộ Bưu chính, Viễn thông để có các đóng góp bổ sung xây dựng hoàn thiện quy định, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý. VNNIC sẽ thực thi theo các nội dung quy định đã ban hành.

Nhiều DN đang rất lo lắng nếu không có sự minh bạch, phân định khách quan hơn từ cơ quan giữ trọng trách quản lý, cấp phép sử dụng, khai thác tài nguyên Internet thì các tranh chấp trên nguồn tài nguyên Internet Việt Nam vẫn chưa có hồi kết, và việc chiếm dụng các tên miền để đầu cơ trục lợi vẫn tiếp tục hoành hành.

Quang Anh - Đức Trường

Theo Báo HNMĐT
  • 108