Sau khi ra đời, tinh trùng phải di chuyển đến ống dẫn tinh để sẵn sàng "làm nhiệm vụ". Nhưng một loại thuốc tránh thai cho nam giới đang được nghiên cứu ở Mỹ có thể làm các "chiến binh" này mất phương hướng, không thể tập kết đúng nơi.
Lâu nay, chỉ hai phương pháp tránh thai hữu hiệu có thể áp dụng được ở nam giới, đó là dùng bao cao su và thắt ống dẫn tinh. Y học đang nghiên cứu những phương tiện tránh thai mới cho phái mạnh mà chẳng phải cần “đeo” hay “thắt” gì cả.
Mục đích của thuốc tránh thai cho nam giới là vô hiệu hóa tinh trùng. Nếu như ở nữ giới, mục tiêu cần phong toả chỉ là một quả trứng rụng, một lần mỗi tháng thì ở nam, mọi việc không đơn giản. Người ta phải tìm cách “đánh gục từ gốc” hàng triệu tinh trùng đang “hừng hực khí thế”, và hơn nữa phải diệt hết 100%, không để “lọt lưới” một chú nào. Cốt lõi của vấn đề phức tạp này có lẽ đã được giải quyết ổn thoả khi giới y học tìm ra một loại vũ khí lợi hại từ chính bản thân đặc tính của tinh trùng.
Giáo sư Michael O’Rand thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ) đang nghiên cứu một loại thuốc tránh thai dành cho nam trên cơ sở sử dụng một protein có tên là Eppin, do tinh hoàn và mào tinh sản xuất ra. Chúng hiện diện trên bề mặt của tinh trùng và làm nhiệm vụ dẫn đường cho tinh trùng di chuyển đến ống dẫn tinh để “sẵn sàng làm nhiệm vụ”.
Một khi bị mất đi protein Eppin, các tinh trùng tự khắc sẽ bị “mù” ngay trong “vương quốc” của chính mình! Chúng sẽ bị mất phương hướng và không biết đường đi. Do vậy, để triệt tiêu hoạt động di chuyển của tinh trùng, chỉ cần tìm cách khử hết protein Eppin có trong cơ thể người nam. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thành công phương pháp dùng chính Eppin để diệt Eppin.
Thông thường, hệ miễn dịch sẽ sản xuất ra kháng thể nhằm chống lại tác nhân lạ xâm nhập từ bên ngoài. Cơ thể không tạo kháng thể để chống lại chính các protein của mình, trong đó Eppin cũng là một “người nhà”. Nhưng các nhà khoa học đã biết cách đánh lừa hệ miễn dịch.
Do là một protein nội bộ, Eppin chỉ hoạt động tại cơ quan sinh dục nam. Ở đây, Eppin được bảo vệ cẩn thận bằng một hàng rào sinh học nhằm ngăn chúng lưu thông vào máu; nghĩa là protein này không được phép tự do đi lại trên khắp cơ thể. Cho nên, khi protein Eppin được trích ra rồi tiêm thẳng vào hệ tuần hoàn máu, cơ thể sẽ không nhận ra “người nhà” và tự động tạo ra kháng thể để tiêu diệt Eppin. Khi đó, tinh trùng cũng sẽ không thể tự mình di chuyển vào ống dẫn tinh. Tinh dịch của người nam khi đó sẽ không có tinh trùng.
Nhóm nghiên cứu đã sản xuất ra một loại thuốc chứa protein Eppin và thử nghiệm trên 9 chú khỉ. Cứ 3 tuần một lần, chúng được tiêm một liều Eppin. Sau một thời gian, có 7 chú khỉ đã trở nên vô sinh. Khi ngưng tiêm, có 5 chú tự phục hồi khả năng sinh sản.
Loại thuốc trên sẽ được thử nghiệm trên phạm vi rộng hơn và ở nhiều loài động vật khác trước khi thử trên người. Tuy nhiên, do cấu tạo và hoạt động sinh lý của hệ sinh dục khỉ khá giống con người nên thành công bước đầu này được đánh giá cao.
Giáo sư Michael O’Rand cho rằng, sẽ mất ít nhất 5 năm nữa, loại thuốc ngừa thai dành cho nam giới kể trên mới có thể xuất hiện trên thị trường.