Tranh vẽ 8.000 người thời Càn Long có giá tới 65 triệu USD

  •  
  • 4.626

Bức tranh vẽ theo lệnh vua Càn Long, với khoảng 8.000 nhân vật, có giá 414 triệu nhân dân tệ (65 triệu USD).

Theo tổng kết những tác phẩm thi họa Trung Quốc được đấu giá cao nhất năm 2021 của trang The Value, bức Bình định Tây Vực hiến phu lễ của họa sĩ Từ Dương xếp thứ nhất đồng thời là tác phẩm thi họa cổ Trung Quốc đắt thứ ba trong lịch sử đấu giá. Từ Dương là họa sĩ cung đình thời Thanh, không rõ năm sinh năm mất.


Bức "Bình định Tây Vực hiến phu lễ". (Video: Bilibili)

Bình định Tây Vực hiến phu lễ từng được đấu giá năm 2009, với mức hơn 130 triệu nhân dân tệ (20,4 triệu USD), đến nay, tăng giá trị hơn ba lần. Theo trang Artron, từ lâu, tác phẩm vượt khái niệm tranh vẽ, được coi là một "cuốn phim không âm thanh", tư liệu lịch sử có giá trị.

Tranh được thực hiện theo yêu cầu của vua Càn Long nhằm kỷ niệm chiến tích sau khi quân Thanh ra trận ở Tây Vực, khoảng năm 1755-1759. Tác phẩm dài gần 19m, với khoảng 8.000 nhân vật, sử dụng bút pháp tả thực, miêu tả khung cảnh kinh thành nhộn nhịp. Tranh được mở đầu bằng cảnh cổng thành với phiên chợ náo nhiệt, tái hiện cuộc sống của bách tính đương thời. Tiếp đó là cảnh tượng ở Thiên An Môn, Tử Cấm Thành, các quan văn võ, binh lính, sứ thần...

 Một phần bức tranh "Bình định Tây Vực hiến phu lễ".
Một phần bức tranh "Bình định Tây Vực hiến phu lễ". (Ảnh: Artron)

Dù lượng nhân vật đồ sộ, tác phẩm tỉ mỉ từng chi tiết. Trang Sohu nhận xét họa sĩ tài nghệ cao, có trí nhớ siêu phàm, khả năng quan sát tinh tế khi vẽ chính xác trục đường ở kinh thành, trong bối cảnh chưa có máy bay hay flycam.

Bên cạnh tính nghệ thuật, tác phẩm mang giá trị lịch sử, thể hiện các mối bang giao đương thời cũng như văn hóa, phong tục tập quán, trang phục, công việc buôn bán của dân thường...

 Phần khác của bức tranh "Bình định Tây Vực hiến phu lễ".
Phần khác của bức tranh "Bình định Tây Vực hiến phu lễ". (Ảnh: Artron)

Từ Dương quê ở Tô Châu, trước khi vào cung, ông không phải họa sĩ chuyên nghiệp. Một lần Càn Long nam tuần, qua Tô Châu, Từ Dương cung tiến tác phẩm của mình, được vua yêu thích, từ đó làm họa sĩ cho vua. Ngay khi mới tới kinh thành, Từ Dương đã được phong là "nhất phẩm họa sĩ", được trả tiền bằng các họa sĩ tên tuổi trong cung bấy giờ, cho thấy ân sủng của nhà vua với Từ Dương.

Cập nhật: 22/01/2022 Theo VnExpress
  • 4.626