Trẻ em hiểu được tâm lý chó qua tiếng chó sủa

  •  
  • 1.550

Nghiên cứu khoa học mới đây cho biết trẻ em có thể hiểu được những tiếng sủa khác nhau của chó cho dù trước đây chúng đã từng tiếp xúc với chó hay chưa.

Những đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể nhận biết tiếng gầm gừ cáu kỉnh hay tiếng sủa vui vẻ tương ứng với ảnh của con chó trông hung tợn hay hiền lành.

Phát hiện mới này được phòng thí nghiệm Đại học Brigham Young tìm ra trong quá trình nghiên cứu khả năng phân biệt tiết tấu trong âm nhạc của Beethoven ở trẻ sơ sinh.

Việc nghiên cứu mối tương quan giữa trẻ em và chó nghe qua có vẻ thật ngớ ngẩn. Tuy nhiên, thí nghiệm này giúp chúng ta hiểu được làm thế nào trẻ em có thể học nhanh như vậy. Trước khi trẻ con biết nói, chúng đã nhận ra và có phản ứng với các loại âm thanh đang diễn ra quanh mình.

Giáo sư tâm lý học Ross Flom tại Đại học Brigham Young, tác giả chính của nghiên cứu này cho hay: “Cảm xúc là một trong những điều đầu tiên trẻ em nhận biết được trong cuộc sống.”
Flom và hai sinh viên trường Đại học Brigham Young cho đăng tải nghiên cứu mới nhất về “khả năng đáng ngạc nhiên của trẻ em”
trên tạp chí Tâm lý học phát triển.

Flom cho biết thêm “Chúng tôi chọn chó để nghiên cứu vì chó là sinh vật có sự tương tác lớn về mặt giao tiếp, không chỉ ở hành động mà còn ở chính tiếng sủa tự nhiên của chúng.”

Trong thí nghiệm này, người ta cho trẻ em xem hai bức ảnh của cùng một con chó. Một bức có biểu hiện chó cáu kỉnh hay hung dữ còn bức kia là hình ảnh thân thiện dễ thương. Sau đó, các nhà nghiên cứu bật những mẩu clip có tiếng chó sủa dữ tợn hay hiền lành.

Những đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể nối ảnh của những con chó vui vẻ hay cáu kỉnh tương ứng với tiếng sủa của chúng. (Ảnh: Đại học Brigham Young)

Flom cho biết mỗi trẻ em chỉ được nghe một lần vì các nhà nghiên cứu không muốn các bé nhớ một cách máy móc những âm thanh đó.

Trong khi đoạn thu âm được bật, những đứa trẻ 6 tháng tuổi thường nhìn chằm chằm vào bức ảnh tương ứng. Những đứa lớn hơn thường nhận thấy mối tương quan ngay lập tức.

Hai đồng tác giả của thí nghiệm này là Dan Hyde và Heather Whipple Stephenson cho biết không có đứa trẻ nào tỏ ra bối rối trong thí nghiệm này.

Hyde nói “Rất nhiều đứa trẻ tỏ ra thích thú. Những đứa bé khác thì chỉ đơn giản là nhìn.”

Stephenson thêm rằng “Trẻ sơ sinh quả là đối tượng hợp tác một cách tích cực.”

Kinh nghiệm nghiên cứu này giúp Hyde và Stephenson tăng thêm uy tín. Hyde hiện đang học tập, nghiên cứu tại trường Harvard và đang làm luận án tiến sỹ ngành tâm lý học phát triển. Heather Whipple Stephenson đã hoàn thành chứng chỉ tâm lý học giáo dục tại Đại học Minnesota.

Stephenson nói rằng “Với nghiên cứu này, điều làm tôi thích thú nhất là nhìn thấy những ý tưởng của mình biến thành một dự án nghiên cứu thực thụ.”

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 1.550