Trẻ tiêu chảy dễ bị hăm da

  •  
  • 2.017

Các bà mẹ có con bị tiêu chảy thường ít khi để ý đến một biến chứng, đó là hăm da. Vùng viêm đỏ do tiêu chảy xung quanh hậu môn nếu không chăm sóc kịp thời sẽ lan rộng, trở nên loét trợt, có mủ lâu lành, gây sốt, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm.

Nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM cho thấy, trẻ em dưới 3 tuổi rất dễ bị hăm da do tiêu chảy. Bệnh tập trung ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, xảy ra trẻ trai nhiều hơn trẻ gái. Nguy cơ cao hơn ở những trẻ tiêu chảy nhiều lần (trên 10 lần trong ngày).

(Ảnh: SK&ĐS)
Tại sao trẻ tiêu chảy dễ bị hăm da? Nguyên nhân chủ yếu là vùng quanh hậu môn tiếp xúc thường xuyên với các chất kích thích da. Khi trẻ bị tiêu chảy nhiều lần không được chăm sóc, vệ sinh thích hợp, da vùng này sẽ bị ẩm ướt thường xuyên bởi phân và nước tiểu. Sự hiện diện của các men đường ruột, vi sinh vật có trong phân và ammoniac có trong nước tiểu sẽ gây kích thích da, gây viêm cấp tính, làm da bị đỏ lên, gây hăm, loét.

Tình trạng ẩm ướt liên quan với số lần đi cầu nhiều lần. Trẻ nhỏ có làn da mỏng manh, ít khả năng chống đỡ với các chất gây viêm nên dễ bị hăm da hơn trẻ lớn. Những trẻ bú sữa nhân tạo có độ pH của phân cao hơn trẻ bú mẹ nên cũng dễ bị hăm da hơn. Ngoài ra, có các yếu tố nguy cơ khác như sử dụng tã giấy không đúng cách, chọn tã chật quá gây cọ sát da, không thay tã sau mỗi lần đi tiêu tiểu hoặc thay không đúng cách, mặc tã vào lúc vùng mông còn ướt gây ẩm ướt thường xuyên…

Hăm da do tiêu chảy cấp thường xuất hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau khi bị tiêu chảy. Vùng quanh hậu môn có màu đỏ tươi, sau thành loét đỏ, chảy nước, chảy máu, diễn tiến có mủ. Trẻ bị hăm da thường đau lúc đi cầu, quấy nhiều, thậm chí kém ăn, ít ngủ, rất khó chăm sóc.

Hăm da bội nhiễm xảy ra khi vùng hăm bị trầy loét, có mủ. Lúc này thường có dấu hiệu toàn thân sốt cao, có khi nơi hăm da trở thành ổ mủ kéo dài cả tháng. Hăm da lan rộng xuất hiện khi tổn thương lan ra 2 bên bẹn và bộ phận sinh dục ngoài; da bị đỏ loét, chảy nước, đỏ vùng bộ phận sinh dục ngoài; thường kèm theo biến chứng nhiễm trùng tiểu làm trẻ tiểu đau, tiểu khó, gây sốt kéo dài.

Nếu phát hiện sớm và được chăm sóc thích hợp, tình trạng hăm da thường lành từ từ trong vòng 5 đến 10 ngày. Cách chăm sóc trẻ bị hăm da tại nhà là giữ vệ sinh, giữ khô da để ngăn chận viêm da diễn tiến tiếp tục. Giúp da mau lành bằng cách làm thoáng để giảm ngứa và giảm các kích thích ở da:

 Vệ sinh da đúng cách, thay tã thường xuyên, sau mỗi lần trẻ đi tiêu tiểu. Rửa sạch da nhẹ nhàng bằng nước ấm và xà phòng, tránh chà sát mạnh, chờ khô da mới mặc tã.

Làm thoáng da, băng tã không quá chặt. Buổi tối hoặc khi trẻ ngủ có thể để thoáng tã, dành thời gian để da bị hăm tiếp xúc với không khí. Lưu ý chọn tã phù hợp với kích thước trẻ, không quá nhỏ. Nếu da bị trầy loét, chảy nước, bôi tại chỗ dung dịch sát khuẩn có tác dụng làm khô da như xanh methylène, betadine.

Không bôi phấn rôm vì phấn sẽ bám lên vùng hăm da gây kích thích. Đưa trẻ đi khám bệnh khi trẻ trông mệt, vùng hăm da lan rộng, trầy loét, chảy máu, có mủ, trẻ có thêm dấu hiệu sốt hoặc hăm da không giảm sau 3 ngày.

Theo Sức Khoẻ & Đời Sống, Vnexpress
  • 2.017