Trời đang xuống gần đất hơn

  •  
  • 2.427

Một nghiên cứu cho thấy độ cao của những đám mây trên địa cầu đang giảm dần trong những năm qua.

Vệ tinh nhân tạo Terra của Mỹ đã theo dõi các đám mây phía trên trái đất trong một thập kỷ qua. Roger Davies, một nhà nghiên cứu của Đại học Auckland tại New Zealand, cùng các đồng nghiệp phân tích dữ liệu về độ cao của mây mà vệ tinh Terra gửi về. Nguồn dữ liệu đó được thu thập trong khoảng thời gian từ tháng 3/2000 tới tháng 2/2010, Livescience cho biết.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy độ cao trung bình của mây giảm từ 30 tới 40m (tương đương 1%) trong vòng một thập kỷ, chủ yếu là do số lượng đám mây hình thành trên các cao độ lớn ngày càng giảm.

“Chúng tôi không biết chính xác nguyên nhân khiến độ cao của mây giảm, song có lẽ hiện tượng đó diễn ra do sự thay đổi trong cách thức lưu chuyển của không khí”, Davies phát biểu.

Độ cao trung bình của mây giảm từ 30 tới 40m từ tháng 3/2000 tới tháng 2/2010.
Độ cao trung bình của mây giảm từ 30 tới 40m từ tháng 3/2000 tới tháng 2/2010.

Mây là dạng vật chất quan trọng để con người hiểu khí hậu trái đất. Do thời gian tồn tại của những đám mây khá ngắn nên theo dõi chúng trong thời gian dài là việc khó. Tác dụng làm nguội hay làm nóng trái đất của mây phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố - như độ cao, vị trí. Hiện nay chưa ai biết mây sẽ thế nào nếu địa cầu trở nên ấm hơn.

Nếu các đám mây thực sự bay gần mặt đất hơn trong tương lai, hiện tượng đó sẽ gây nên tác động quan trọng đối với biến đổi khí hậu. Độ cao của mây càng giảm thì trái đất sẽ nguội nhanh hơn.

Hoạt động theo dõi mây của vệ tinh Terra sẽ kéo dài tới cuối thập kỷ này. Nhờ dữ liệu mà nó thu thập trong tương lai, các nhà khoa học sẽ biết mây bay gần mặt đất hơn là xu hướng lâu dài hay chỉ là hiện tượng diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.

Theo Livescience, VNE
  • 2.427