Trong tương lai, vùng biển Sri Lanka có thể sẽ chết

  •  
  • 577

Vụ đắm tàu X-Press Pearl ngoài khơi Sri Lanka, khiến chất hóa học và hạt nhựa thoát ra đại dương, có nguy cơ tạo ra thảm họa môi trường tồi tệ chưa từng có.

Hai tuần đã trôi qua kể từ khi ngọn lửa bùng lên trên tàu X-Press Pearl ở ngoài khơi thủ đô Colombo của Sri Lanka. Đám cháy đã thiêu rụi con tàu chở hàng cao gần 200 m, khiến nó chìm dưới đáy biển.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa chấm dứt, giờ mới là lúc đại dương lên tiếng. Những ngày qua, vô số xác cá chết đã trôi dạt vào bờ biển Sri Lanka. Trong mang cá, người ta tìm thấy những viên nhựa nhỏ.

Xác nhiều cá thể rùa biển và chim cũng được phát hiện trên bờ biển Sri Lanka những ngày qua sau vụ đắm tàu.

Các chuyên gia cảnh báo vùng biển trong khu vực đang đối mặt thảm họa môi trường tồi tệ chưa từng có, hậu quả từ vụ đắm tàu X-Press Pearl, theo Washington Post.

Nhiều hạt nhựa phát hiện bên trong xác cá dạt vào bờ biển Sri Lanka
Nhiều hạt nhựa phát hiện bên trong xác cá dạt vào bờ biển Sri Lanka. (Ảnh: Washington Post).

Tuần qua, ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy vùng nước gần nơi xảy ra thảm họa đắm tàu đã đổi màu, một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân do tràn dầu.

Hôm 12/6, X-Press Feeders, công ty sở hữu con tàu X-Press Pearl, đăng tải một thông cáo báo chí cho biết quan sát thấy một chất màu xám nhạt thoát ra từ con tàu. Tuy nhiên, hiện chưa có báo cáo xác nhận về tình trạng ô nhiễm nhiên liệu.

Chính phủ Sri Lanka đến nay chưa chính thức thông báo về hiện tượng tràn dầu. Hải quân Sri Lanka đang điều tra nguy cơ tràn dầu. Người phát ngôn Hải quân Sri Lanka cho biết "các mẫu nước biển đang được kiểm tra để xác định thành phần các chất có trong vết loang trên biển".

Nước biển đổi màu tại nơi xảy ra vụ đắm tàu.
Nước biển đổi màu tại nơi xảy ra vụ đắm tàu. (Ảnh: Maxar).

Các chuyên gia cho biết thảm họa môi trường sau vụ đắm tàu hiện mới chỉ bắt đầu. Con tàu X-Press Pearl chuyên chở nhiều chất hóa học độc hại, cũng như những thiết bị có hại cho môi trường, có thể hủy diệt môi trường biển cùng quần thể sinh vật sống ở ngoài khơi Sri Lanka.

Tàu X-Press Pearl mang theo 1.500 container, trong đó chứa những hàng hóa nguy hiểm như acid nitric, sodium methoxide hay methanol.

Ngoài những chất hóa học nói trên, con tàu cũng chở những hạt nhựa nhỏ, gây hại cho đời sống các loài sinh vật biển.

"Vụ việc có mức độ nghiêm trọng không kém gì một thảm họa hạt nhân. Đây không phải là vấn đề chỉ của riêng Sri Lanka. Trong những tuần tới, thảm họa sẽ ảnh hưởng toàn bộ khu vực", Muditha Katuwawala, điều phối viên tổ chức bảo vệ môi trường biển Pearl Protectors, cho biết.

Theo X-Press Feeders, các thủy thủ báo cáo về khói bốc lên từ các thùng hàng khi con tàu đang ở gần cảng Colombo hôm 20/5. Ngày hôm sau, lửa bắt đầu bùng lên trên boong tàu.

Sau khi nhận được thông tin, chính phủ Sri Laka đã điều động tàu kéo chữa cháy và trực thăng tới để trợ giúp dập tắt ngọn lửa.

Đến ngày 22/5, một vụ nổ xảy ra trên tàu X-Press Pearl. Ảnh vệ tinh cho thấy ngọn lửa cháy rực sáng trên boong tàu, trong khi khói bốc mù mịt.

Đám cháy trên tàu X-Press Pearl hôm 22/5.
Đám cháy trên tàu X-Press Pearl hôm 22/5. (Ảnh: Maxar).

Ngày 25/5, 5 ngày sau khi khói bốc lên từ hàng hóa trên tàu, tiếp tục có thêm một vụ nổ khác. Thủy thủ đoàn của X-Press Pearl cũng như lực lượng cứu hỏa có mặt trên boong tàu được sơ tán. Từ ngày 2/6, con tàu bắt đầu chìm xuống đáy đại dương.

Đến ngày 15/6, xác tàu X-Press Pearl vẫn nằm dưới đáy đại dượng. Các nhà môi trường học cảnh báo nguy cơ dầu và nhiều chất hóa học độc hại có thể rò rỉ ra biển.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến ngọn lửa bùng lên trên tàu. Theo ông Andrew Leahy, người phát ngôn của X-Press Feeders, một container chứa nitric acid, hóa chất được dùng để sản xuất phân bón và nhựa, bị rò rỉ có thể đã dẫn đến đám cháy.

Nguy cơ từ chất hóa học và hạt nhựa

Trước khi thảm họa xảy ra, thủy thủ đoàn đã xin cập cảng ở Hamad, Qatar và Hazira, Ấn Độ để dỡ container bị rò rỉ. Tuy nhiên, nhà chức trách hai cảng này đã từ chối đề nghị bởi họ không có chuyên gia xử lý container rò rỉ. Nhà chức trách cảng Hamad và Hazira từ chối bình luận về thông tin này.

Trong số 1.500 container trên boong tàu, 81 chiếc chứa các loại hàng hóa nguy hiểm, gồm 25 tấn acid nitric.

Lúc này, thợ lặn của Hải quân Sri Lanka đang điều tra vùng biển nơi con tàu đắm. Hôm 6/6, Hải quân Sri Lanka cho biết chưa quan sát thấy hiện tượng bất thường trên biển.

Nhiều hạt nhựa phát hiện bên trong xác cá chết dạt vào bờ biển Sri Lanka.
Nhiều hạt nhựa phát hiện bên trong xác cá chết dạt vào bờ biển Sri Lanka. (Ảnh: Washington Post).

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo một khi các chất hóa học rò rỉ ra bên ngoài, hệ sinh thái đại dương sẽ bị hủy hoại.

"Nhiều chất hóa học dễ dàng tương tác với nước biển", Dureshika Markovich, nhà hóa học làm việc tại một cơ sở khoa học ở California, Mỹ, cảnh báo.

Những chất hóa học độc hại có trên tàu X-Press Pearl bao gồm sodium methoxide, caustic soda flakes và methanol làm thay đổi độ cân bằng pH của nước biển, đồng thời có thể dẫn đến cái chết trên diện rộng của nhiều loài sinh vật biển.

Bên cạnh đó, acid nitric, đá vôi và lubricants trong các container nếu thoát ra ngoài cũng sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái biển.

Ajantha Perera, khoa học gia đồng thời là nhà hoạt động môi trường Sri Lanka, cho biết bất cứ sự thay đổi nào của độ cân bằng pH trong nước cũng sẽ làm biến đổi các loài tảo, khiến các rặng san hô có nguy cơ bị hủy hoại. Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thức ăn của nhiều loài sinh vật.

"Vùng biển này có thể sẽ chết. Bởi một khi rạn san hô không còn, số lượng đàn cá cũng sẽ giảm xuống. Đại dương sẽ cần nhiều năm để phục hồi, hay thậm chí là không bao giờ khôi phục như cũ", bà Perera nói.

Những ngày qua, các hạt nhựa và vi nhựa từ tàu X-Press Pearl được tìm thấy trong xác các loài sinh vật dạt vào bờ biển Sri Lanka. Hạt nhựa cũng đang lấp đầy bãi biển, làm tăng nhiệt độ mặt đất, ảnh hưởng tới quá trình ấp trứng của rùa biển.

"Thứ tồn tại lâu nhất và tác động rộng khắp nhất cho khu vực chính là nhựa. Chúng sẽ ở trong đại dương mãi mãi", Charitha Pattiaratchi, giáo sư Đại học Western Australia, cho biết.

Các hạt nhựa đã phủ kín bãi biển dài hơn 150 km ở phía Tây của Sri Lanka. Ô nhiễm sẽ không dừng lại ở các bãi biển của quốc gia Nam Á này.

Mô phỏng máy tính cho thấy hạt nhựa sẽ tiếp tục lan rộng theo các dòng hải lưu. Dòng chảy các hạt nhựa này sẽ sớm trôi dạt đến Đông Nam Á.

"Vị trí con tàu đắm là khu vực rất nhiều loài cá sinh trưởng và kiếm ăn. Lúc này, người dân bắt đầu lo sợ không dám ăn cá nữa, ảnh hưởng nặng nề tới thu nhập của ngư dân", một ngư dân địa phương cho biết.

Nhà chức trách Sri Lanka xử lý rác thải dạt vào bờ biển.
Nhà chức trách Sri Lanka xử lý rác thải dạt vào bờ biển. (Ảnh: Washington Post).

Các quan chức Sri Lanka cho biết đang khẩn trương xử lý nhằm giảm thiểu thiệt hại môi trường. Tới ngày 10/6, khối lượng rác thải nhà chức trách đã thu dọn là 1.075 tấn.

Tuy nhiên, giáo sư Pattiaratchi cho biết vẫn còn lượng lớn hạt nhựa trôi nổi trên biển sau vụ chìm tàu X-Press Pearl, đây là thảm họa chưa từng có trước đây. Các hạt nhựa sẽ đến Indonesia trong vòng 60 ngày, trước khi quay trở lại theo dòng hải lưu và dạt tới bờ biển Ấn Độ, Maldives, hay thậm chí sang tận châu Phi.

Trong vòng 1-2 năm tới, các hạt nhựa sẽ trôi tới quần đảo Cocos-Keeling và đảo Giáng sinh ở phía Tây của Australia.

Cập nhật: 17/06/2021 Theo Zing
  • 577