Loại thuốc mới đánh bại cả tế bào ung thư "tàng hình"

  •  
  • 607

Những tế bào ung thư trước đây đủ sức chống lại cả liệu pháp miễn dịch tiên tiến cũng phải tự phát tín hiệu ăn thịt tôi đi vì loại thuốc đang được các nhà khoa học Mỹ phát triển.

Việc một số tế bào ung thư có khả năng trốn tránh các biện pháp điều trị, bao gồm các liệu pháp miễn dịch tiên tiến, là điều khiến bệnh tồn tại lâu dài trong cơ thể, gây nên nhiều đợt bùng phát hủy hoại sức khỏe của bệnh nhân.

Theo Medical Xpress, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi giáo sư Charles Craik từ Trường Đại học California ở San Francisco (UCSF) và tiến sĩ Kevan Shokat từ UCSP cùng Viện Y khoa Howard Hughes đã phát triển một loại thuốc chuyên nhắm vào các tế bào "tàng hình" khó giải quyết này.

Hình ảnh hiển vi về khối u trong bệnh ung thư phổi
Hình ảnh hiển vi về khối u trong bệnh ung thư phổi - (Ảnh: MEDICAL XPRESS)

Được mô tả trong báo cáo vừa công bố trên Cancer Cell, loại thuốc mới có tác dụng kéo một phiên bản đột biến của protein KRAS trong tế bào ung thư lên bề mặt của tế bào, mà các tác giả mô tả là hành động tự "gắn cờ" mang dòng chữ "ăn thịt tôi đi" của tế bào.

Khi đó, hệ miễn dịch với sự trợ giúp của thuốc trị ung thư thông thường có thể dễ dàng tiêu diệt các tế bào này.

"Hệ miễn dịch có khả năng nhận ra KRAS đột biến nhưng không thể tìm thấy nó tốt. Khi chúng tôi đánh dấu protein này, nó sẽ tìm kiếm dễ dàng hơn" - tiến sĩ Hughes giải thích.

Trong nhiều năm, đột biến của KRAS mặc dù hiện diện phổ biến trong bệnh ung thư nhưng được coi là "bất khả chiến bại", âm thầm thúc đẩy sự phát triển của khối u.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện phân tích chi tiết loại protein này và phát hiện một "chiếc túi" ẩn trong KRAS đột biến mà loại thuốc mang tên sotorasib (đã được phê duyệt và sử dụng từ lâu) có thể xử lý được.

Tuy nhiên, sotorasib không giúp được tất cả bệnh nhân bị đột biến KRAS. Khi một số khối u đang dần thu nhỏ lại, nó bất ngờ kháng thuốc và lại phình to. Do đó, các nhà khoa học đã phát triển một loại thuốc nhắm mục tiêu KRAS mới mang tên ARS1620, chính là "chiến binh" vừa được công bố trong nghiên cứu mới.

Sau thành công trong phòng thí nghiệm, các tác giả đang gấp rút tiến tới thử nghiệm với động vật và thử nghiệm lâm sàng.

Cập nhật: 15/09/2022 NLĐ
  • 607