Trung Quốc giải bài toán ô nhiễm môi trường

  •  
  • 1.832

Khi những lo âu về mô hình phát triển kinh tế không bền vững về môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là sau vụ hóa chất tràn làm ô nhiễm sông Tùng Hoa, Bắc Kinh bắt đầu lưu ý đến những cảnh báo của những tổ chức môi trường.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường và chất lượng cuộc sống sẽ là ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế 5 năm tới của Trung Quốc…

Trung Quốc sẽ bị khủng hoảng ô nhiễm nước

Zhou Shengxian, Cục trưởng SEPA tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào 11/03/2006.
Zhou Shengxian, Cục trưởng SEPA tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào 11/03/2006. (Ảnh: Trung Hoa nhật báo).
Ông Pan Yue, Cục phó Cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia Trung Quốc (State Environmental Protection Administration-SEPA), nhận định Trung Quốc (TQ) sẽ phải đối mặt với khủng hoảng môi trường, đặc biệt là khủng hoảng nước, sớm hơn dự tính.

Kể từ vụ nổ nhà máy hóa chất ở Cát Lâm làm ô nhiễm nước sông Tùng Hoa (Songhua) hồi tháng 11 năm 2005 khiến các thành phố lớn phải tạm thời đóng hệ thống nước uống, ở TQ có 45 vụ ô nhiễm. Vào trung tuần tháng 2 vừa qua, chất thải công nghiệp của một nhà máy điện tràn vào một con sông ở Tứ Xuyên khiến nguồn nước của 28.000 dân bị ngưng trệ trong ít nhất 4 ngày. Hiện có hơn 300 triệu người ở nông thôn TQ thiếu nước sạch.

Theo ông Pan, bùng nổ kinh tế làm tăng lượng chất thải hóa học và các vụ hóa chất độc hại tràn vào các con sông. Hơn phân nửa trong số 21.000 công ty hóa chất đặt gần sông Dương Tử và sông Hoàng Hà - nguồn nước uống cho hàng triệu dân và những tai nạn có thể dẫn đến “những hậu quả thảm khốc". Kể từ năm 2001, lượng nước thải và chất thải công nghiệp tuôn vào các sông hồ ở TQ tăng lên hàng năm. Trong năm 2004, hơn 200 triệu tấn nước thải và 200 triệu tấn chất thải công nghiệp đổ vào các sông hồ ở nước này.

Trong khi đó, ô nhiễm không khí ở TQ cũng rất nghiêm trọng. Cục phó Pan cho biết, tổng khí thải lưu huỳnh dioxít (SO2), thành phần chính trong mưa a xít, cao hơn 80% mức cho phép và vẫn đang tăng. Trẻ em ở các thành phố của TQ cũng đang phải hít thở bầu không khí độc hại tương đương với việc hút hai gói thuốc mỗi ngày!

Ô nhiễm môi trường: Vấn đề lớn trong phát triển của TQ

Tại cuộc họp báo ngay trước phiên họp thường niên của Quốc hội TQ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề lớn trong phát triển hiện nay của TQ và vẫn chưa được giải quyết tốt. Ông Ôn Gia Bảo cho biết TQ đã hoàn thành hầu hết những mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2000-2005), nhưng những mục tiêu về môi trường vẫn chưa được thực hiện tốt.

Chính phủ thừa nhận hầu hết các con sông đều ô nhiễm, hơn 1/3 đất nước bị mưa a xít  tấn công. Các con sông lớn bị ô nhiễm nặng nề khiến hàng trăm triệu dân không có nước sạch để uống. Những thành phố của TQ nằm trong số những thành phố khói bụi nhất thế giới. 

Tại cuộc họp báo ngày 11/03/2006, Zhou Shengxian, Cục trưởng SEPA, cảnh báo rằng TQ cần nhanh chóng cải thiện việc bảo vệ môi trường. Nếu không TQ sẽ phải đối mặt với thảm họa theo sau hai thập kỷ phát triển quá nhanh đã làm ô nhiễm không khí, nước và đất.

Ông Zhou nhận định vấn đề ô nhiễm đã trở thành quả bom công phá sự ổn định xã hội. Ông muốn ám chỉ số cuộc biểu tình của dân chúng về các vấn đề môi trường ngày càng tăng. Nông dân biểu tình phản đối lượng chất thải không được kiểm soát của các nhà máy đang phá huỷ hoa màu và làm nhiễm độc nguồn nước.

Còn theo tính toán của Cục phó Pan, trong vòng 15 năm tới, TQ đặt mục tiêu trở thành một xã hội sung túc – GDP sẽ tăng gấp 4 lần – nhưng nếu TQ vẫn duy trì mức sản xuất và tiêu dùng hiện tại thì ô nhiễm và tiêu thụ năng lượng ở nước này cũng sẽ tăng gấp 4 lần.

Ngọn nguồn nguyên do

Theo các chuyên gia môi trường, chính sự lơ là trong bảo vệ môi trường những năm trước đã khiến TQ phải trả giá trong vài năm gần đây. Khi những lo âu về mô hình phát triển kinh tế không bền vững về môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là sau vụ sông Tùng Hoa, Bắc Kinh bắt đầu lưu ý đến những cảnh báo của SEPA và những tổ chức môi trường.

Nhà máy hóa dầu Đại Liên (Đông Bắc TQ). Sau một loạt các vụ ô nhiễm nghiêm trọng, sắp tới TQ sẽ thực hiện đánh giá môi trường với 127 nhà máy hóa dầu.
Nhà máy hóa dầu Đại Liên (Đông Bắc TQ). Sau một loạt các vụ ô nhiễm nghiêm trọng, sắp tới TQ sẽ thực hiện đánh giá môi trường với 127 nhà máy hóa dầu (Ảnh: AFP)
Kevin May, giám độc cuộc vận động chống độc của tổ chức Greenpeace Trung Quốc ở tỉnh Quảng Châu nhận định ở TQ đã có luật, song việc thi hành luật thì còn rất hạn chế. Đơn cử như vụ nhà máy chưng cất bia Hải Lâm sản xuất bia rượu nhưng không có hệ thống xử lý nước thải như yêu cầu. Cục bảo vệ môi trường địa phương đã yêu cầu nhà máy tạm ngưng hoạt động từ cuối năm ngoái. Song do chính quyền địa phương không phê chuẩn đề nghị này, nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi xảy ra vụ thải chất ô nhiễm vào sông Mudan ở tỉnh Hắc Long Giang hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Ông Pan, Cục phó SEPA, cho rằng những nhà điều chỉnh luật của TQ thiếu quyền lực để thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, một số nhà lãnh đạo không nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Thậm chí một số nhà lãnh đạo còn cho rằng chỉ phát triển nền kinh tế sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội, chính trị và các vấn đề khác. Phát ngôn viên của SEPA nhận định các vụ ô nhiễm môi trường ở TQ sẽ xảy ra thường xuyên hơn do sự mất cân bằng trong cơ cấu công nghiệp. Còn Cục trưởng Zhou cho rằng không thể giải quyết những vấn đề ô nhiễm trong một sớm một chiều.

Bảo vệ môi trường: Thước đo năng lực quan chức

Tại cuộc họp báo ngay trước phiên họp thường niên của Quốc hội TQ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh TQ không nên theo lối cũ là gây ô nhiễm môi trường rồi sau đó xử lý. “Chúng ta nên dành những dãy núi xanh và nước sạch cho con cháu chúng ta.”

Theo Thủ tướng Ôn Gia Bảo, thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, TQ cần chú ý tới bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, TQ sẽ thi hành chính sách công nghiệp nghiêm ngặt, phải cấm doanh nghiệp và các dự án hạ tầng cơ sở gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên. TQ cũng sẽ thi hành các chương trình đặc biệt giải quyết ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý từng bước ô nhiễm nước, không khí và đất.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ thắt chặt việc thi hành luật và bảo vệ môi trường song song với luật. Những doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và gây ô nhiễm sẽ bị đóng cửa, doanh nghiệp và các nhân gây ô nhiễm nặng nề sẽ bị phạt.

Trong 4 năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 10, TQ đầu tư tổng cộng 600,6 tỷ NDT (khoảng 72,3 tỷ USD) cho phòng chống và kiểm soát ô nhiễm. Vấn đề bảo vệ môi trường và chất lượng cuộc sống sẽ là ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế 5 năm tới của TQ.

Hiện chính phủ TQ đã đề ra nguyên tắc chỉ đạo mới định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và biện pháp chính sách bảo vệ môi trường trong tương lai.

Theo đó, khả năng bảo vệ môi trường sẽ trở thành một phép đo quan trọng để xác định quan chức các cấp có làm tròn vai trò của mình hay không. Nói cách khác, việc đánh giá quan chức địa phương không chỉ dựa về khả năng phát triển kinh tế mà còn tính đến khả năng bảo vệ môi trường. Chính người tiền nhiệm của Cục trưởng Zhou đã buộc phải từ chức sau vụ ô nhiễm sông Tùng Hoa.

Theo ông Cục trưởng SEPA, chính phủ TQ vừa hoàn tất kế hoạch quản lý sông dài hạn trong đó chú trọng đến phòng chống và xử lý ô nhiễm. Chính phủ đang nỗ lực nhằm tránh những vụ ô nhiễm tương tự vụ ô nhiễm sông Tùng Hoa do các nhà máy hóa chất nằm cạnh sông hồ gây ra. Về phần mình, SEPA sẽ yêu cầu các nhà máy báo cáo các vụ tràn hóa chất trong vòng một giờ khi vụ việc xảy ra để tránh “ém nhẹm thông tin”. Chính vụ ô nhiễm sông Tùng Hoa đã không được công bố trong nhiều ngày và gây thêm khó khăn cho việc kiểm soát khủng hoảng.

Dân chúng được tham gia đánh giá tác động môi trường

Ngày 22/02/2006, SEPA đã công bố hai biện pháp tạm thời về sự tham gia của dân chúng trong việc đánh giá tác động môi trường. Hai biện pháp này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 18/03/2006. Theo đó, dân chúng có thể tham gia đánh giá tác động môi trường, hỏi ý kiến chuyên gia, hoặc tham dự hội nghị chuyên đề hoặc diễn đàn công khai. Các nhà thầu dự án sẽ phải cung cấp cho nhân dân chi tiết ảnh hưởng của công trình xây dựng đến môi trường và các biện pháp phòng tránh họ sẽ áp dụng.

Trước đây, hệ thống đánh giá tác động môi trường của TQ hầu như chỉ dựa vào các biện pháp hành chính nhưng thiếu sự giám sát của dân chúng.

Xu Kezhu, Giáo sư trường Đại học Khoa học chính trị và Luật TQ, nhận định đây  là bước tiến lớn của pháp luật để tăng cường sự tham gia của dân chúng trong sự nghiệp môi trường.

Trong năm 2005, gần 30.000 vụ vi phạm môi trường bị điều tra và trừng phạt trong đó 2.609 doanh nghiệp buộc phải ngưng hoạt động hoặc đóng cửa. Tháng trước, SEPA dọa sẽ đóng cửa 11 công ty và 10 nhà máy trong đó có các lò nấu kim loại và nhà máy hóa chất nằm dọc theo sông Tùng Hoa nếu những cơ sở này không thể kiểm soát được chất gây ô nhiễm.

Trong năm nay, SEPA và Bộ Giám sát sẽ giám sát cuộc điều tra 4 vụ ô nhiễm môi trường lớn trong đó có vụ nhà máy chưng cất bia Hải Lâm. Đồng thời, Trung Quốc sẽ thực hiện đánh giá môi trường với 127 nhà máy hóa dầu có tổng vốn đầu tư gần 55 tỷ USD. Đây là những nhà máy chủ chốt của ngành hóa dầu Trung Quốc. Tuy nhiên, 21 nhà máy trong số này đã vi phạm bảo vệ môi trường và đã bị phạt.

Tháng 5 năm ngoái, SEPA đã yêu cầu 9 nhà máy trong ngành công nghiệp giấy và nấu quặng phải cải thiện thiết bị xử lý chất thải. Hiện 9 nhà máy này đã đáp ứng tiêu chuẩn xử lý nước thải. Tháng 9 trong ngoái, SEPA công bố 14 nhà máy xử lý nước thải đã làm việc sai chức năng hoặc ngưng hoạt động. Đến nay, 5 trong số 14 nhà máy này đã hoạt động trở lại hết công suất.

Theo VietNamNet
  • 1.832