Trung Quốc chế tạo bể nhiên liệu đẩy rộng 9,5m, hướng tới việc phát triển tên lửa Trường Chinh 9 với sức chở 150.000kg hàng hóa.
Viện Công nghệ Phương tiện phóng Trung Quốc (CALT) thông báo sản xuất thành công bể nhiên liệu đẩy đường kính 9,5 m, đạt được bước tiến cần thiết để sản xuất một bể nhiên liệu bền chắc nhưng cũng đủ mỏng nhẹ để dùng cho các vụ phóng tên lửa, Space hôm 7/3 đưa tin.
Bể nhiên liệu có đường kính 9,5m. (Ảnh: CALT)
Bể nhiên liệu mới được chế tạo theo thông số kỹ thuật của một thiết kế cũ cho tên lửa Trường Chinh 9, không thể tái sử dụng, theo kế hoạch của Trung Quốc. Sau đó, họ chuyển đổi sang thiết kế tên lửa mới có thể tái sử dụng với đường kính 10,6m, nhưng các vật liệu và kỹ thuật như hàn ma sát khuấy vẫn sẽ dùng được cho kế hoạch mới.
Dòng tên lửa mạnh nhất và có đường kính lớn nhất hiện nay của Trung Quốc là Trường Chinh 5 với đường kính 5m, có thể đưa hàng hóa nặng khoảng 22.000kg lên quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO). Trường Chinh 9 dự kiến phóng lần đầu vào năm 2030, có thể mang hàng hóa nặng 140.000 - 150.000 kg lên LEO.
Tên lửa này sẽ được sử dụng để xây Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) theo kế hoạch của Trung Quốc. Nó cũng có thể giúp phóng các cơ sở hạ tầng năng lượng Mặt Trời ngoài không gian và các nhiệm vụ không gian sâu.
CALT là một bộ phận của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) - nhà thầu chính của nước này trong lĩnh vực vũ trụ. Các bộ phận khác của CASC hoạt động trong nhiều lĩnh vực như chế tạo tên lửa, phát triển và chế tạo tàu vũ trụ, thiết kế động cơ mới.
CALT cũng đang phát triển một phương tiện phóng mới để đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung và một phiên bản lớn hơn để đưa người lên Mặt trăng. Vụ phóng đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2027.