Trung Quốc lắp kính viễn vọng lớn ở độ cao 4.520m

  •  
  • 92

Một kính viễn vọng quang học đường kính 1,9m với độ phân giải cực cao sắp được lắp đặt trên cao nguyên Pamir để thám hiểm không gian sâu.

Đài quan sát Muztagh trên cao nguyên Pamir ở Tân Cương.
Đài quan sát Muztagh trên cao nguyên Pamir ở Tân Cương. (Ảnh: Xinhua).

Theo Đài thiên văn Tân Cương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, kính viễn vọng mới sẽ được đặt tại Đài quan sát Muztagh ở huyện Akto, phía nam khu tự trị Tân Cương. Với độ cao 4.520 m so với mực nước biển, tầm nhìn tốt nhất của nó có thể đạt tới 0,4 giây cung, CGTN hôm 27/2 đưa tin.

Wang Na, Giám đốc Đài thiên văn Tân Cương, cho biết cao nguyên Pamir là một trong những địa điểm lý tưởng nhất cho các dự án thiên văn lớn. Khu vực này quanh năm khô lạnh với lượng mưa thường nhỏ hơn 2mm vào mùa đông và đỉnh núi Kongur cao chót vót giúp chặn ô nhiễm ánh sáng từ các thành phố.

"Điều kiện quan sát quang học tuyệt vời tại Muztagh là khá hiếm ở Trung Quốc và có thể so sánh với các đài quan sát quang học đẳng cấp thế giới", Wang nhấn mạnh.

Kính viễn vọng 1,9m được đồng phát triển bởi Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Viện Thiên văn học và Công nghệ Quang học Nam Kinh, Đại học Tân Cương và Đài thiên văn Tân Cương. Đây là một trong những kính viễn vọng quang học lớn nhất tại Trung Quốc, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 6/2024.

Độ phân giải và độ chính xác trắc quang cực cao của thiết bị sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thám hiểm không gian sâu, nghiên cứu sóng hấp dẫn, quan sát hạt neutrino năng lượng cao, giám sát vật thể gần Trái Đất và tìm kiếm ngoại hành tinh. Kính viễn vọng cũng có thể được sử dụng cho giảng dạy.

Trong tương lai, Đài thiên văn Tân Cương muốn phát huy hết các điều kiện quan sát và lợi thế địa lý của cao nguyên Pamir để thu hút nhiều dự án thiên văn lớn hơn nữa, đồng thời phát triển Đài quan sát Muztagh thành cơ sở khoa học quan trọng ở miền nam Tân Cương. Động thái này là một phần trong nỗ lực không ngừng của Trung Quốc nhằm nâng cao năng lực thiên văn để trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về thám hiểm không gian.

Cập nhật: 28/02/2023 VnExpress
  • 92