Trung Quốc thử nghiệm động cơ tên lửa lực đẩy 500 tấn

  •  
  • 219

Mẫu động cơ tên lửa nhiên liệu rắn với đường kính 3,5m vượt qua thử nghiệm khai hỏa đầu tiên tại cơ sở thử nghiệm ở Tây An.

Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm kích hoạt mẫu động cơ tên lửa mới tại một cơ sở thử nghiệm ở tây bắc Trung Quốc hôm 19/10. Đây được giới thiệu là động cơ tên lửa nhiên liệu rắn lớn nhất và có kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới.

Động cơ tên lửa rộng 3,5 m có thể tạo ra lực đẩy 500 tấn, theo Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC). Như vậy, nó mạnh gấp hơn 4 lần động cơ nhiên liệu lỏng trên tên lửa Trường Chinh 5, phương tiện phóng lớn nhất trong chương trình vũ trụ của Trung Quốc hiện nay.

Với tính cơ động cao và khả năng phóng gần như ngay lập tức, tên lửa nhiên liệu rắn được sử dụng nhiều cho các mục đích quân sự. Đa số tên lửa loại này nhỏ, một phần vì việc đưa đầu đạn đến đích thường không cần lực đẩy quá lớn.

Các chuyên gia vũ trụ Trung Quốc cho biết, họ đã thực hiện nhiều đột phá công nghệ để tăng đáng kể sức chở của động cơ tên lửa nhiêu liệu rắn. Để giảm trọng lượng, thân động cơ được làm bằng vật liệu tổng hợp như các loại sợi có độ bền cao. Một số bộ phận chính, bao gồm ống xả và buồng đốt, cũng áp dụng công nghệ mới để tăng sức đẩy.

Dữ liệu từ cuộc thử nghiệm trên mặt đất ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, cho thấy hiệu suất tổng thể của động cơ tên lửa là "hàng đầu thế giới", CASC cho biết. Một phiên bản động cơ lớn hơn với khả năng tạo ra lực đẩy 1.000 tấn cũng đang được phát triển.

Tên lửa nhiên liệu rắn được sử dụng nhiều cho các mục đích quân sự.
Tên lửa nhiên liệu rắn được sử dụng nhiều cho các mục đích quân sự.

Ứng dụng quân sự của các động cơ tên lửa nhiên liệu rắn mới này chưa được làm rõ, nhưng phiên bản dân sự sẽ giúp các phi hành gia Trung Quốc bay lên Mặt Trăng. Trong các chương trình không gian, hầu hết tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng vì chúng cháy hiệu quả hơn và chở được hàng nặng hơn lên quỹ đạo. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị phóng có thể kéo dài nhiều ngày.

Những năm gần đây, Trung Quốc phát triển một loạt tên lửa nhiên liệu rắn mới có thể đưa một lượng lớn vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo gần Trái Đất trong vài giờ. Ngoài chi phí, tên lửa nhiên liệu rắn truyền thống còn có một số hạn chế khác. Hành trình bay của chúng khó kiểm soát hơn nên ảnh hưởng đến độ chính xác. Chúng cũng chỉ cháy được một lần. Tuy nhiên, những năm qua, các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ kỹ thuật liên quan đến tiết kiệm nhiên liệu, điều khiển bay và tái kích hoạt động cơ.

Cập nhật: 21/10/2021 Theo VnExpress
  • 219