Trung Quốc xây cao ốc 26 tầng chỉ để… nuôi lợn

  •  
  • 958

Ở Ngạc Châu (Hồ Bắc, Trung Quốc) có tòa nhà 26 tầng, được xây dựng với mục đích cho lợn ở.

Một tòa nhà cao tầng mới ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc đang được quảng cáo là "trại chăn nuôi lợn cao nhất thế giới", sẽ nuôi hàng chục nghìn con lợn, trong bối cảnh các công ty tìm cách hiện đại hóa ngành chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ngày càng tăng của đất nước tỷ dân.

"Khách sạn heo"

Cơ sở chăn nuôi 26 tầng được chú ý sau khi chủ sở hữu của nó, công ty Hubei Zhongxinkaiwei Modern Farming Co. Ltd., thông báo bắt đầu sản xuất từ cuối tháng 8 này, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Tọa lạc tại thành phố Ngạc Châu, khu trang trại có hai tòa nhà, mỗi tòa rộng 400.000m2, tất cả đều sẽ được trang bị máy cho ăn tự động, hệ thống lọc không khí và khử mùi thông minh.

Trong những năm gần đây, nông dân địa phương đã bắt đầu nuôi lợn trong các tòa nhà nhiều tầng - đôi khi được báo chí Trung Quốc gọi là "khách sạn lợn" – thay vì các trang trại một tầng truyền thống. Theo ước tính của một nhà cung cấp thiết bị chăn nuôi hàng đầu Trung Quốc, diện tích các cao ốc chăn nuôi lợn đã tăng thêm 30% mỗi năm trong hai năm qua, khi các nhà sản xuất cố gắng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thịt lợn của đất nước.

"Khách sạn chăn lợn" ở thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc.
"Khách sạn chăn lợn" ở thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc. (ảnh: Weibo)

Theo ước tính chính thức, Trung Quốc là nhà cung cấp và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, và nhu cầu dự kiến ​​tăng từ 51,77 triệu tấn lên 60,77 triệu tấn trong 10 năm tới. Và các trang trại lớn đang ráo riết chạy đua để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, vốn coi trọng thịt lợn hơn hẳn các loại thịt khác.

Công ty Zhongxinkaiwei cho biết trang trại của họ ở Ngạc Châu dự kiến mỗi năm xuất xưởng 54.000 tấn thịt từ đàn lợn 600.000 con trong hai tòa nhà. Công ty tuyên bố khi quá trình xây dựng hoàn thành, đây sẽ là địa điểm chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc.

Việc nuôi lợn trong các tòa nhà cao tầng tăng mạnh sau khi dịch cúm lợn tấn công một nửa đàn lợn của cả nước vào năm 2018. Căn bệnh này đã dẫn đến việc giá thịt lợn cao kỷ lục và xóa sổ vô số trang trại truyền thống nhỏ lẻ.

Để tránh rủi ro lan truyền, Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc từ năm 2021 đã phân loại đất nước thành năm khu vực địa lý và đề xuất không vận chuyển vật nuôi xuyên vùng, trong khi chính quyền các địa phương khuyến khích tăng năng lực tại chỗ để đáp ứng nhu cầu. Trước đó, năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn thậm chí đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn nhiều tầng.

Trong khi ý tưởng xây nhiều "khách sạn heo" hơn nghe có vẻ hứa hẹn, một số người làm việc trong lĩnh vực này đã bày tỏ sự lo ngại.

Zheng Zhicheng, giám đốc phụ trách PR của tập đoàn nông nghiệp New Hope Group, nói với tờ Phương nam Tuần báo rằng trong khi những tòa nhà "khách sạn lợn" có thể giúp giảm chi phí liên quan đến đất đai, chi phí sản xuất lại cao hơn so với cách nuôi lợn truyền thống. Ông cũng cảnh báo rằng các vấn đề an toàn sinh học nội bộ khó xử lý hơn và có thể dẫn đến thiệt hại lớn trong trường hợp bùng phát dịch.

Zhongxinkaiwei không phải công ty đầu tiên có ý tưởng nuôi lợn trên nhà cao tầng. Từ năm 2018, khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, trên núi Yaji ở miền nam Trung Quốc, người ta đã nuôi hàng nghìn con trên mỗi tầng của khu "khách sạn lợn" thuộc công ty nông nghiệp Guangxi Yangxiang Co.

Theo Reuters, Trung Quốc không phải là nơi duy nhất nuôi lợn trên nhà cao tầng. Các trang trại lợn hai hoặc ba tầng đã được thử nghiệm ở châu Âu. Một số vẫn đang hoạt động, một số khác đã bị bỏ hoang, nhưng một số ít mới được xây dựng trong những năm gần đây, do khó khăn trong quản lý và sự phản đối của công chúng đối với các trang trại lớn, mang tính thâm canh.

Khi Trung Quốc đẩy mạnh công nghiệp hóa việc chăn nuôi đàn lợn lớn nhất thế giới, một phần trong nỗ lực 30 năm hiện đại hóa khu vực nông trại và tạo ra sự giàu có ở các vùng nông thôn, các công ty đang thử nghiệm nhà ở cao tầng cho lợn bất chấp chi phí. Các "khách sạn" cho thấy một số nhà đầu tư vào ngành chăn nuôi sẵn sàng đi xa khi Trung Quốc “đại tu” các mô hình canh tác.

Xu Jiajing, quản lý trang trại trên núi của Yangxiang nói: "Có những lợi thế lớn khi xây dựng một trang trại chăn nuôi cao tầng. Nó tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Diện tích đất không nhiều nhưng nuôi được nhiều lợn".

Các công ty như Yangxiang đang bơm nhiều tiền hơn vào các dự án trang trại cao tầng dù chi phí xây dựng một trang trại như thế cao hơn khoảng 30% so với các trang trại hiện đại một tầng - ngay cả trong thời điểm cuối năm 2018, giá lợn hơi ở Trung Quốc giữ ở mức thấp nhất trong 8 năm.

Đối với một số người, các khoản đầu tư này quá rủi ro bởi lo ngại dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan khi chăn nuôi có tính chất thâm canh như vậy.

Nhưng thành công của các trang trại chăn nuôi lợn cao tầng ở Trung Quốc có thể có tác động đến các khu vực đông dân cư, khan hiếm đất đai ở châu Á, cũng như đối với các nhà cung cấp thiết bị.

Peter van Issum, giám đốc điều hành công ty Microfan (Hà Lan) thiết kế hệ thống thông gió cho công ty Yangxiang, nói: "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu xây dựng các tòa nhà trang trại hai hoặc ba tầng ngày càng tăng ở Trung Quốc".

Microfan cũng cung cấp thiết bị cho Daedeok JongDon GGP Farm, một trang trại chăn nuôi ba tầng ở Hàn Quốc.

"Những trang trại cao tầng vẫn còn hiếm, nhưng tương lai có thể thay đổi nhanh chóng", ông van Issum nói.

Trang trại "chọc trời"

Núi Yaji dường như là một địa điểm khó có thể xây dựng một trang trại chăn nuôi khổng lồ. Đi lên một con đường hẹp, cách xa các ngôi làng, những tòa nhà bằng bê tông trông ra thung lũng rừng rậm, nơi Yangxiang dự định phát triển thành một điểm thu hút khách du lịch.

Khu chăn nuôi trên núi Yaji
Khu chăn nuôi trên núi Yaji

Địa điểm này tương đối gần với Quý Cảng, thành phố có cảng sông và đường thủy kết nối với đồng bằng sông Châu Giang, một trong những khu vực đông dân cư nhất thế giới.

Trong khi Trung Quốc đang khuyến khích chăn nuôi nhiều hơn tại vựa ngũ cốc của đất nước ở phía đông bắc, nhiều người lo lắng rằng các trang trại ở đó sẽ phải vật lộn để đưa thịt lợn đến các thành phố lớn cách xa hàng nghìn dặm một cách an toàn.

Thực tế đó đã giúp thúc đẩy một số khoản đầu tư trang trại vào các tỉnh phía nam như Quảng Tây và Phúc Kiến, nơi có nhiều đồi núi nhưng gần với nhiều thành phố lớn nhất của Trung Quốc.

Một công nhân của Yangxiang đứng trước trại lợn cao tầng của công ty
Một công nhân của Yangxiang đứng trước trại lợn cao tầng của công ty

Yangxiang bắt đầu nuôi 30.000 con lợn nái trên diện tích 11 ha từ cuối năm 2018, mỗi năm sản xuất 840.000 con lợn giống. Đây là trang trại chăn nuôi lớn nhất, thâm canh nhất trên thế giới. So sánh: Một trang trại chăn nuôi lớn điển hình ở miền bắc Trung Quốc thường nuôi 8.000 con lợn nái trên diện tích khoảng 13 ha.

Chăn nuôi lợn tại trang trại cao tầng của Yangxiang
Chăn nuôi lợn tại trang trại cao tầng của Yangxiang

Tại tỉnh Phúc Kiến, Công ty TNHH Công nghệ Jinxinnong Thẩm Quyến cũng có kế hoạch đầu tư 150 triệu nhân dân tệ (24 triệu USD) vào hai trang trại lợn nái cao 5 tầng ở Nam Bình. Hai công ty khác cũng đang xây dựng các trang trại lợn cao tầng ở Phúc Kiến.

Tập đoàn chăn nuôi khép kín "từ trang trại đến quầy bán lẻ" của Thái Lan là CP Foods cũng đang hợp tác với với công ty Zhejiang Huatong Meat Products Co của Trung Quốc xây dựng 4 tòa nhà chăn nuôi lợn, mỗi tòa 6 tầng, ở Nghĩa Ô, thành phố gần "siêu đô thị" Thượng Hải.

Cập nhật: 04/11/2022 VTC
  • 958