Người dân trong đô thị sinh thái của Trung Quốc có thể uống nước từ vòi, di chuyển trên các phương tiện giao thông không xả khí thải.
Mô hình thành phố sinh thái gần Thiên Tân. (Ảnh: AFP).
AFP cho biết, thành phố sinh thái của Trung Quốc được xây trên khu đất không thể trồng trọt do nhiễm mặn gần thành phố cảng Thiên Tân và có diện tích 30 km2. Quá trình xây dựng sẽ diễn ra trong ít nhất 10 năm.
Các nhà thầu hy vọng thành phố sinh thái của họ sẽ là hình mẫu của một loại đô thị siêu sạch, được quy hoạch tốt và phát triển bền vững.
“Chúng tôi hy vọng thành phố sinh thái mới sẽ tác động tới những nước láng giềng”, Goh Chye Boon, tổng giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư và phát triển đô thị sinh thái Thiên Tân, phát biểu.
Chính phủ Trung Quốc và Singapore hợp tác với nhau về tài chính và kỹ thuật để xây dựng thành phố sinh thái. Theo kế hoạch thành phố sẽ có 350.000 dân với cơ sở hạ tầng toàn diện như trường học, bệnh viện và các khu thương mại.
Một xe tải tiến vào công trường xây dựng đô thị sinh thái gần thành phố Thiên Tân vào ngày 15/9. (Ảnh: AFP).
Nhiều công ty nước ngoài, như Hitachi (Nhật Bản) và Philips (Hà Lan), sẽ cung cấp công nghệ sạch cho thành phố. Các tòa nhà sẽ có tường cách âm và được lắp cửa sổ có khả năng nhận nhiều ánh sáng để tiết kiệm điện.
Gần hai phần ba rác thải của dân sẽ được tái chế. 20% điện trong thành phố sẽ được sản xuất từ các nguồn tài nguyên vô tận và không gây ô nhiễm môi trường như gió và ánh sáng mặt trời.
Sau khi được xử lý, nước thải sẽ chảy theo các kênh để vào một hồ. Người dân có thể lấy nước trong hồ để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
“Đô thị sinh thái trở thành nhu cầu cần thiết bởi Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong các thành phố”, ông Hiroaki Suzuki - một chuyên gia hàng đầu về tài chính, kinh tế và phát triển đô thị của Ngân hàng Thế giới – nhận xét. Ngân hàng Thế giới là tổ chức hỗ trợ dự án đô thị sinh thái của Trung Quốc.
Giới chức cao cấp của Trung Quốc hy vọng đô thị sinh thái sẽ giúp họ giải quyết tình trạng số dân đô thị tăng quá nhanh. Kể từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế cách đây hơn 30 năm, dân số đô thị nước này đã tăng với tốc độ cao nhất trong lịch sử do vài trăm triệu người di chuyển ra thành phố để tìm kiếm cơ hội.
Đài truyền hình Trung Quốc cho biết, để đáp ứng nhu cầu của cư dân thành phố, Trung Quốc phải đầu tư tới 3,6 nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng.