Việc xây dựng cung thiên văn ở độ cao 3.650 m so với mực nước biển hôm 12/6 đã được khởi công ở khu tự trị Tây Tạng.
Theo Wang Junjie, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tây Tạng, cung thiên văn sẽ có tổng diện tích sàn là 11.571m2, với phong cách kiến trúc lấy cảm hứng từ một thiên thạch.
Cung thiên văn sẽ nằm ở phía đông của Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Tây Tạng. (Ảnh: CGTN)
Công trình sẽ được đặt tại cánh phía đông của Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Tây Tạng ở thành phố Lhasa, thủ phủ của khu tự trị. Khi hoàn thành, nó sẽ trở thành cung thiên văn cao nhất thế giới, nằm trên mực nước biển 3.650 m, cao hơn 773 m so với Pic du Midi, cung thiên văn cao nhất châu Âu ở Pháp (2.877 m).
Cung thiên văn Tây Tạng dự kiến mở cửa vào năm 2024 và tiếp đón hơn 100.000 du khách mỗi năm. Dự án sẽ mở ra cánh cửa mới cho hành trình khám phá vũ trụ không ngừng của Trung Quốc.
Được mệnh danh là "nóc nhà của thế giới" do nằm ở độ cao trung bình hơn 4.000 m so với mực nước biển, Tây Tạng có bầu trời trong xanh tuyệt vời, lý tưởng cho việc quan sát thiên văn.
Cơ sở mới sẽ có kính thiên văn quang học khúc xạ lớn nhất khu vực, với thấu kính đường kính 1 m. Thiết bị đang được đồng phát triển bởi cung thiên văn Tây Tạng và Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Trung Quốc. Nó sẽ được sử dụng để quan sát sao biến quang và thiên văn học miền thời gian.
Dự án cung thiên văn Tây Tạng là một phần quan trọng trong mạng lưới quan sát thiên văn của Trung Quốc. Nó sẽ trở thành cơ sở chính để nghiên cứu thiên văn và giáo dục khoa học công cộng trong khu vực.