Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên ở miền Nam

  •  
  • 2.677

Hôm 21-12, đại diện tổ chức môi trường WAR cho biết đã ký một bản ghi nhớ với Chi cục Kiểm lâm TP.HCM nhằm xây dựng một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên ở miền Nam. Trung tâm này sẽ nằm trong khuôn viên của Hạt Kiểm lâm Củ Chi, An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Nguồn vốn đầu tư chủ yếu được tổ chức Wildlife at Risk (WAR - tạm dịch: Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã) tài trợ thông qua dự án "Gấu". Chi phí xây dựng ban đầu của "Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã và Giáo dục Bảo tồn Thiên nhiên" là hơn 51.000 USD.

Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã có diện tích 400 m2, tập trung chủ yếu cho các loài bò sát như rắn và rùa và các loài thú nhỏ. Trung tâm cũng sẽ tiếp nhận cứu hộ các loài gấu đã suy yếu do điều kiện nuôi tồi tệ và thiếu kỹ thuật nuôi, hoặc nuôi nhốt bất hợp pháp tại các cơ sở tư nhân.

Dự án "Gấu" được tổ chức WAR hỗ trợ cho TP.HCM giải quyết tình trạng buôn bán bất hợp pháp các loài gấu, chủ yếu là việc rút mật. WAR hỗ trợ chương trình đăng ký cấy chip điện tử cho 300 con gấu. Ngoài ra, thông qua dự án, WAR còn đề xuất thiết lập một điểm cứu hộ gấu, và đề xuất  các giải pháp thay thế mang tính bền vững cho các nhà kinh doanh mật gấu. Dự án này bắt đầu vào 1-9-2004 và sẽ kết thúc vào ngày 30-6-2006, với tổng kinh phí trên 128.000 USD.

Phạm vi cứu hộ của Trung tâm ưu tiên cho khu vực TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Trung tâm nằm trong một khu vực ít bị tác động của con người, tự nhiên và các loài động vật hoang dã khác, đảm bảo rằng các loài động vật hoang dã được cứu hộ cách ly hoàn toàn với các loài khác.

Mục tiêu chính của trung tâm là thu nhận các loài động vật hoang dã do bị săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép đã bị xử lý tịch thu để chăm sóc và điều trị vết thương, nuôi dưỡng trong trại cứu hộ.

Song song đó, trung tâm sẽ kết hợp với địa phương hay các nhà khoa học có liên quan để chọn lọc những cá thể đủ điều kiện nhằm tiến hành đưa thả về môi trường sống tự nhiên, nơi xác định có sự phân bố của chúng sau khi được cứu hộ.

Đồng thời, cùng với các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, trung tâm cứu hộ sẽ tiến hành nghiên cứu tập tính, sinh học và đặc biệt là sinh lý sinh sản cũng như các vấn đề có liên quan của các loài động vật hoang dã phục vụ cho công tác chăm sóc bảo tồn. Qua đó, Trung tâm thực hiện nuôi sinh sản và nuôi bảo tồn nguồn gen một số loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng trong điều kiện bán tự nhiên.

Bên cạnh công tác cứu hộ, trung tâm còn là nơi giáo dục và trình diễn bảo tồn thiên nhiên. Trung tâm có thể trở thành một điểm du lịch sinh thái trưng bày các tiêu bản sống của động vật hoang dã.

Theo VietNamNet
  • 2.677