Truy lùng kho báu Đức Quốc xã

  •  
  • 3.406

Một người Hà Lan đang tràn trề hy vọng, cuối cùng cũng phá được mật mã chỉ nơi chôn giấu 'kho báu tin đồn' của Đức Quốc xã.

Trong những thập niên qua, những nhà săn kho báu trên thế giới đều truyền miệng về sự tồn tại một kho tàng gồm toàn kim cương và vàng thỏi trị giá nhiều triệu USD đang nằm đâu đó dưới lòng đất thuộc bang Bavaria của Đức.

Các sĩ quan Đức Quốc xã có lẽ đã mang kho báu trên đến "Pháo đài Alpine", nơi Heinrich Himmler, Chỉ huy trưởng lực lượng SS khát máu, hy vọng có thể xây dựng ở miền nam nước này.

Theo nhiều nguồn tin, chính quyền phát xít dự định dùng kho báu trên để thành lập đội biệt kích 'người sói' với mục tiêu xâm nhập các quân đội Đồng minh vào cuối Thế chiến thứ hai. Có người còn cho rằng chính thư ký riêng của Hitler là Martin Bormann đã giấu bản đồ dẫn đến kho báu trong phần chú thích bản tổng phổ của bài March Impromptu do nhạc sĩ Gottfried Federlein biên soạn. Bên dưới các nốt nhạc được cho ẩn giấu một loạt từ ngữ, số liệu và lời bài hát cung cấp vị trí chính xác của nơi chôn kho tàng. Theo luật Đức, người tìm ra kho báu có thể được hưởng từ 3 đến 5% giá trị số của cải này trong trường hợp cá nhân hoặc tổ chức đứng ra nhận quyền sở hữu. Còn nếu đây là kho báu vô chủ, họ có thể nhận được tối đa 50% giá trị.

Truy lùng kho báu Đức Quốc xã
Bản phổ bài March Impromptu được cho là ẩn giấu mật mã chỉ địa điểm chôn kho báu 
- (Ảnh: Karl Hammer)

Nhà báo người Hà Lan Karl Hammer đã công bố phát hiện mới có liên quan đến bản hợp tấu trên, sau vài lần thất bại trong nỗ lực giải mã March Impromptu. Được biết, người cho rằng đã giải mã thành công thông điệp chỉ nơi cất giấu kho báu của Đức Quốc xã là nhạc sĩ kiêm nhà làm phim tài liệu Leon Giesen, 51 tuổi. Sau 9 tháng nghiên cứu, Giesen cho rằng mình đã hiểu được mật mã và nắm trong tay một giả thuyết tuyệt vời về nơi có thể tìm ra kho tàng. Một đoạn trong bài hát viết rằng wo Matthias die Saiten streichelt (tức “nơi Matthew gảy đàn”) làm Hammer liên tưởng đến Matthias Klotz, người làm đàn vĩ cầm vào thế kỷ 17 tại thị trấn nhỏ Mittenwald nằm ở miền nam nước Đức.

Giesen, sống tại thành phố Utrecht của Hà Lan, tiếp tục kết nối những mảnh ghép khác, và phát hiện một dấu hiệu quan trọng, liên quan đến ký tự “M” trong bản phổ, làm ông nhớ lại chữ cái tương tự từng nhìn thấy trong bức ảnh về một trạm xe lửa ở Berlin. Ông bắt đầu lần ngược lại các nhà ga cũ từ thập niên 1940 và diễn dịch lời hát “Enden der Tanz” (tức “chấm dứt điệu nhảy”) làm manh mối chỉ một địa điểm dừng tàu.

Theo sau cuộc nghiên cứu kỳ công, trong đó đánh giá hình ảnh lịch sử do quân Đồng minh chụp từ trên không, ông Giesen kết luận rằng cần phải tìm cho ra đường ray xe lửa tại nơi từng có trại lính của quân đội Đức Quốc xã tại Mittenwald. Giới chức địa phương mới đây đã cấp phép cho khoan 3 hố sâu trên đường phố của thị trấn này. “Cuộc khảo sát địa chất cho thấy một điểm sâu bất thường bên dưới con đường, và giới chuyên gia kết luận rằng nó có thể chứa một quả bom trên máy bay đời cũ hoặc một tảng đá lớn”, NBC News dẫn lời Giesen. Nhà làm phim Hà Lan đã dùng khoản tiền thu được khi bán hơn 700 bản sao “bản đồ kho báu” với giá 50 euro/bức để tiến hành giai đoạn đầu của công cuộc đi tìm kho tàng nhiều triệu USD. Ông đang tiếp tục gây quỹ và hy vọng chính phủ Đức sẽ cho phép hoàn tất các giai đoạn cuối của cuộc săn lùng kho báu.

Vùng Alpine gần biên giới Áo lâu nay vẫn được xem là thánh địa của những người truy tìm kho tàng bí ẩn. Hồi năm ngoái, các thợ lặn đã sục sạo đáy hồ Walchensee với hy vọng tìm được đồ quý, nhưng chỉ vớt được một khẩu bazooka gỉ sét và vài cây súng trường cũ nát. Trong khi đó, Juergen Proske, một tay săn kho báu 51 tuổi tại Garmisch-Partenkirche, cho hay cứ mỗi năm vùng này lại đón vài nhóm ôm mộng đổi đời bằng kho báu giấu sẵn dưới lòng đất. Và ai cũng tay trắng lặng lẽ quay về.

Theo Thanh Niên
  • 3.406