Truy tìm nguyên nhân sự cố hòn Phụ Tử bị đổ

  •  
  • 8.722

Hòn Phụ Tử nằm trong quần thể di tích hòn Chông (gồm hòn Phụ Tử, Chùa Hang, Bãi Dương) thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích thắng cảnh vào năm 1989. Sự cố hòn Phụ của hòn Phụ Tử bị đổ vào ngày 9-8 làm hư hỏng di tích thắng cảnh quốc gia và biểu tượng của du lịch Kiên Giang.

Hòn Phụ Tử lúc chưa đổ

Hòn Phụ Tử lúc chưa đổ (Ảnh: Trần Lam)

Ngay khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh đã kịp thời có văn bản báo cáo khẩn cấp về Văn phòng Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thông tin, đồng thời chỉ đạo Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp một số sở, ngành và chính quyền huyện, xã khảo sát thực tế tại hòn Phụ Tử, xem xét, đánh giá và bảo vệ phần còn lại. Hòn Phụ đổ về hướng đất liền, gãy thành hai đoạn chìm dưới nước, chỉ còn lại phần chân đế. Theo nhận định ban đầu của đoàn khảo sát nguyên nhân có thể do giông, gió và triều cường, sóng lớn gây ra sự cố.

Về việc xử lý sự cố hòn Phụ Tử, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thông tin tiếp tục báo cáo chi tiết và diễn biến dư luận về Bộ Văn hóa - Thông tin, đề nghị chuyên gia của Bộ giúp tỉnh khảo sát hiện trường, tìm nguyên nhân, đánh giá thiệt hại và đề ra phương án khắc phục. UBND huyện Kiên Lương bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường và bảo đảm trật tự an toàn khi có đông người tụ tập đến xem. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp một số sở khảo sát và có báo cáo khoa học bước đầu về nguyên nhân gãy đổ và đề xuất phương hướng khắc phục. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Văn hóa - Thông tin làm rõ dư luận về việc hiện tượng nứt gãy đã có từ lâu, đã báo cáo nhưng không có thông tin phản hồi.

Sáng sớm 9-8, hòn Phụ (ngọn bên trái) đã bị đổ. (Ảnh: ND)
Theo kỹ sư địa chất Trần Quang Tiên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kiên Giang thì cần tìm nguyên nhân tại sao hòn Phụ Tử bị đổ và lập báo cáo đánh giá hiện trạng hòn Phụ Tử, trên cơ sở đó lấy ý kiến các nhà quản lý, chuyên môn, nhà nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khắc phục thích hợp.

Hòn Phụ Tử được cấu tạo từ đá vôi thường bị nước xâm thực và ăn mòn tạo nên các hang động, đá bị ăn mòn, nứt chẻ, bề mặt đá có những vết sọc hoặc có hình dáng tai mèo. Thực tế ở chân hòn Phụ Tử có nhiều khe nứt. Một khe nứt gần chân đế có mặt nghiêng từ 30 đến 40 độ ăn sâu vào thân và chân hòn. Quan sát vết nứt (chỗ gãy) thì thấy hai phần ba diện tích không còn dính kết lại với nhau, chỉ còn liên kết ở một phần ba trung tâm hòn Phụ. Kế đến là do hòn Phụ có trọng lượng lớn, ước tính khoảng 2.000 tấn (phần gãy chìm dưới nước khoảng 1.000 tấn) ở tư thế nghiêng, trọng tâm hòn ra khỏi mặt chân đế nên cũng dễ đổ ngã. Phần nền hòn cũng có khe nứt, hang hốc rất nhiều, do đó nền yếu không đủ sức để gánh cả hòn đá bên trên. Chính sự liên kết yếu cộng thêm gió mạnh khiến khối đá bị gãy ngang.

Một điều đáng lưu ý là cần xác định đúng độ cao của hòn Phụ Tử để nếu có phục chế sẽ tạo cho hòn Phụ Tử có hình dáng cân đối hài hòa như nguyên trạng.

UBND tỉnh Kiên Giang đã cho phép Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang phối hợp Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh mời chuyên gia về địa chất, trầm tích thăm dò, khảo sát xác định rõ nguyên nhân bị đổ, đồng thời tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến, làm cơ sở đề xuất giải pháp phục hồi, bảo tồn di tích, danh lam thắng cảnh có liên quan đến các hòn, đảo của khu vực hòn Chông.

Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin) đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh thành lập Tổ Khắc phục sự cố ở di tích hòn Phụ Tử để xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục sự cố. Cục Di sản văn hóa tán thành chủ trương phục hồi khối đá bị gãy, nhưng việc phục hồi phải xây dựng thành phương án cụ thể trình Bộ Văn hóa - Thông tin xem xét, thỏa thuận.

UBND tỉnh đã có định hướng thành lập Tổ Khắc phục sự cố ở di tích hòn Phụ Tử và nghiêng về chủ trương phục hồi lại nguyên trạng hòn Phụ Tử. Vấn đề đặt ra là muốn khắc phục cách gì thì cũng phải khảo sát phần chân đế, xem các khe nứt phát triển đến đâu hoặc hang hốc rộng bao nhiêu, rồi gia cố chân đế thật vững chắc. Chung quanh hòn Phụ Tử nên làm kè, gia cố nền, lấp các lỗ hang trống, tránh cho hòn bị sóng gió va đập để bảo vệ di tích và giúp cho du khách dễ tiếp cận tham quan hòn. Thân hòn Phụ có thể làm thân rỗng để trọng lượng giảm bớt, có cầu thang bên trong để bà con trú mưa nắng và leo lên quan sát phong cảnh chung quanh hòn từ trên cao.

Phương án trục vớt phần gãy của hòn Phụ lên, gắn kết lại cũng được xem xét đến, tuy nhiên việc gắn kết hình khối theo trục thẳng đứng 90o thì dễ, còn với khối đá hàng nghìn tấn theo chiều nghiêng thì việc thực hiện không đơn giản chút nào, cần phải khảo sát và tính toán kỹ lưỡng. Mới đây, khi về làm việc tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý tỉnh cân nhắc kỹ để tìm giải pháp sao cho việc phục dựng phải giống nguyên trạng và càng ít sử dụng các chất liệu khác với chất liệu tự nhiên tại chỗ càng tốt.

Hòn Phụ Tử là biểu tượng của tình cha con lừng lững giữa mưa giông, bão biển đã ăn sâu vào trong tâm khảm của người dân Kiên Giang. Việc nhanh chóng đưa ra những giải pháp tối ưu phục hồi hòn Phụ Tử đáp lại tình cảm và nguyên vọng thiêng liêng của người dân nơi đây, từ chính quyền địa phương đến các cơ quan Trung ương cũng đã vào cuộc, tin chắc mọi việc sẽ nhanh chóng.

TRÍ PHƯƠNG

Theo Nhân dân
  • 8.722