Truyền thuyết vị thuốc xà sàng tử

  •   3,84
  • 1.913

Một căn bệnh quái lạ bỗng nhiên xuất hiện ở một làng nhỏ. Trên khắp da người bệnh mọc lên rất nhiều những nốt sẩn, nhìn như da gà, gây ngứa kịch liệt, khiến họ phải gãi liên tục, có khi đến rỉ máu vẫn không đỡ.

Căn bệnh lạ lan truyền rất nhanh, chỉ sau vài ngày, tất cả dân trong làng đều bị nhiễm bệnh. Thày thuốc ở địa phương đã thử dùng đủ loại thuốc, nhưng đều vô dụng. Có một vị đạo sĩ qua làng cho biết: Phải đến một hòn đảo nhỏ ở biển Đông, hái lấy quả của loài cây thuốc có lá như lông chim, nấu nước tắm, mới chữa khỏi được. Nhưng trên hòn đảo lại có rất nhiều rắn, chúng hay làm ổ trên cây thuốc đó. Mọi người nghe thấy vậy, chỉ còn biết thở dài, thất vọng.

Từng có hai chàng trai dũng cảm thử liều mình đến đảo hái thuốc, nhưng trước sau đều không thấy về. Có lẽ họ đều bị rắn độc cắn chết. Trong khi đó, bệnh phát tác mỗi ngày một nặng, một số người bị viêm loét lòi cả xương thịt, máu mủ chảy đầm đìa khắp người. Nếu không chữa khỏi thì tai họa khó lường trước được.

(Ảnh: SK & ĐS)
Trước cảnh đau khổ đó, lại có một chàng trai quyết tâm ra đi kiếm thuốc. Có điều, sau khi rời khỏi làng, chàng không đến thẳng đảo rắn mà đi tìm thuốc chữa rắn độc cắn. Sau khi được một thày thuốc bày cho cách phòng rắn độc bằng rượu pha hùng hoàng, chàng trai mới đáp thuyền tới đảo. Trải qua bao vất vả, cuối cùng chàng đã mang được thuốc về cho dân làng. Dùng thứ hạt đó nấu nước tắm, người bệnh nhẹ chỉ qua 2-3 lần là khỏi, còn người nặng cũng chỉ phải tắm khoảng 5-6 lần.

Vì đó là thứ hạt của loài cây mà rắn hay nằm nên thứ thuốc nói trên được đặt tên là xà sàng tử, nghĩa là “thứ quả trên giường rắn”. Theo khảo sát của các nhà thực vật học, những nơi có cây xà sàng mọc thường hay gặp rất nhiều loài rắn. Ngoài ra, ở những nơi nhiều rắn, dưới gốc cây xà sàng thường không thấy có hạt rơi vãi. Người xưa cho rằng, hạt xà sàng chính là thứ loài rắn dùng làm món ăn “chay”.

Cho dù truyền thuyết kể trên là sự thật hay là hư cấu thì tác dụng chữa lở ngứa của xà sàng vẫn là thực. Từ xưa đến nay, xà sàng vẫn được coi là vị thuốc tốt để chữa trị những chứng bệnh lở ngứa ngoài da như mụn nhọt, chàm, viêm da dị ứng, phụ nữ ngứa âm đạo, viêm âm đạo... Kết quả nghiên cứu hiện đại đã chứng thực, xà sàng tử có tác dụng ức chế rất mạnh đối với tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn mủ xanh, trùng roi âm đạo và các loài nấm gây ngứa ngoài da.

Chỉ có điều, xà sàng không phải là loài cây “đặc hữu” trên một hòn đảo nhỏ ở ngoài biển Đông, mà mọc hoang ở nhiều nơi. Tại Việt Nam, xà sàng thường hay gặp ở các bờ bãi ven sông, những khoảng đất trống, hay ruộng hoang.

Xà sàng (cnidium monnieri L.) là loại thân cỏ cao 0,4-1 m, mọc đứng, phân nhánh. Lá mọc so le, xẻ lông chim hai lần. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành tán kép, cuống hoa dài hơn cuống lá. Cụm hoa nhìn từ trên xuống giống như cái giần hay cái sàng, nên cây còn có tên là “giần sàng”. Quả hình bầu dục hơi dẹt. Vì quả rất nhỏ, chỉ dài khoảng 2-5 mm nên dân gian thường gọi là “hạt”. Để sử dụng làm thuốc, khi quả chín (tháng 6-8), người ta nhổ hay cắt cả cây về, phơi khô, đập lấy quả, loại bỏ tạp chất, phơi cho thật khô là được.

Ngoài tác dụng chữa lở ngứa, xà sàng tử tăng cường chức năng sinh dục ở cả nam và nữ. Trong sách Hồng Nghĩa giác tư y thư, Tuệ Tĩnh từng viết: “Cường dương chừ xà sàng, ông già uống khá đương mười cô gái”. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, xà sàng tử có tác dụng tương tự như testosteron, làm tăng trọng lượng tử cung và buồng trứng ở động vật thí nghiệm.

Ngoài ra, vị thuốc này còn giúp chống rối loạn nhịp tim, điều hòa huyết áp; chống hen, trừ đờm, tăng cường chức năng miễn dịch, chống dị ứng, giảm đau, gây tê cục bộ, cải thiện chức năng não, tăng trí nhớ, chống loãng xương...

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
  • 3,84
  • 1.913