Kỷ nguyên số đưa nhiều người trẻ đến “lối sống số”, “thói quen số”! Và cả những “hệ lụy số”?!... Ảnh minh họa
Tác giả bài này cũng là một người yêu công nghệ, không có tham vọng nói đến điều gì to tát, chỉ mong phản ánh những gì mình nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận, để mọi người – nhất là các bạn trẻ khác cùng suy ngẫm…
“Thói quen số”
Câu chuyện thứ nhất: Giờ nghỉ trưa, Hương (nhân viên văn phòng) chạy qua chỗ Quỳnh: “Qua đây, có chuyện này muốn tâm sự”. “Ôi trời! Có gì sao không “Buzz” một cái mà chạy qua đây làm gì? Từ giờ có chuyện gì cứ mess (nhắn tin qua Yahoomessenger) hoặc mail cho tớ cho nó tiện, quen rồi”.
Ừ!, ai chả biết là quen rồi, quen chat, quen online, nên nhiều khi không còn ai thấy hai đứa bạn thân chụm đầu tâm sự khúc khích cười như ngày trước. “Mà nào có xa xôi hay bất tiện gì, hai đứa học cùng Đại học, thân nhau như chị em ruột, bây giờ làm cùng một công ty, ngồi cách nhau hai dãy bàn, mà động một tí cứ phải thông qua mấy dòng tin nhắn cụt lủn và ba cái “mặt cười” (Emoticons YahooMessenger) vô tri chẳng bao giờ thay đổi sao?” Hương thoáng buồn.
Câu chuyện thứ hai: Ở cơ quan nọ, có một chị mới sinh con đầu lòng, nhưng hình như anh chồng rất hay nhậu nhẹt về khuya, nên cãi vã luôn. Chị kể, mỗi lần như thế, hai vợ chồng lại ngủ riêng, anh nằm phòng khách, chị nằm trong buồng, rồi nhắn tin điện thoại … cãi nhau.
“Khi nói, dễ dẫn đến kém kìm chế và có nhiều lời bốc đồng, xúc phạm nhau bởi nhiều khi bức xúc.. nói bừa. Nhưng nhắn tin SMS, ai cũng phải nghĩ trước và chọn lựa lời lẽ, sao cho 160 ký tự nói hết được ý mình, nên có phần bình tĩnh hơn. Nhưng dần dà sau những lần như thế, tình trạng lại xấu đi, vợ chồng ngày càng ít nói chuyện với nhau, cứ như có hố sâu ngăn cách. Ai đời… vợ tầng 1 chồng tầng 2 cũng SMS nhắc nhau sang bà ngoại đón con…”. Chị cười như mếu…
Câu chuyện thứ ba: Việt Hưng (nhân viên văn phòng, 24 tuổi – Ngõ 120 chùa Láng – HN) là một người trẻ tình nguyện sống theo “nguyên tắc số”. Mọi hoạt động trong ngày của anh đều “gắn chặt với công nghệ”, “nguyên tắc như một cái máy công nghệ số”.
Bạn có tin, Hưng hẹn giờ qua điện thoại di động chỉ bằng một tiếng chuông midi cực nhỏ và ngắn? (Nếu là tôi, chắc phải dùng tiếng đại bác). Đó là một thói quen tốt mà cậu đã thực hiện rất lâu, chỉ một tiếng chuông nhỏ vào đúng giờ sẽ khiến cậu biết ngay mình phải làm gì.
Hưng dùng một chiếc Mobile khá hiện đại, và mọi kế hoạch trong ngày, thậm chí kế hoạch tuần đều được cậu lưu trong máy, đổ chuông nhắc việc chính xác đến từng phút! Chúng tôi đã quen với cảnh anh em đang ngồi quây quần, đột ngột một tiếng chuông chói lên những âm thanh kim loại lạnh ngắt: “Việc quan trọng nên tôi để chuông to, thôi, chào mọi người”... Tự nhiên ai cũng thấy hụt hẫng.
Câu chuyện thứ tư: Nhiều người trẻ bây giờ sống theo kiểu “ăn mobile, ngủ mobile”, thức thì GameOnline, Internet… ngôn ngữ thường ngày của họ cũng theo đó thay đổi, quanh quẩn chỉ thấy những “chat chit, voice, mail, nhạc số, chuông lạ, online, offline.. ” lúc nào cũng thành câu cửa miệng…
Và nếu để ý, càng ngày bạn sẽ thấy có càng có nhiều từ ngữ “không tìm thấy trong từ điển”, nó xuất phát từ ngôn ngữ chat, ngôn ngữ SMS, ngôn ngữ giao tiếp trong Game Online… len lỏi vào văn hóa giao tiếp của những người trẻ: Họ không nói buồn quá mà “Bun wa”, không phải “biết rồi” mà “bit rui”. Họ tạm biệt nhau bằng “pai pai”, Cu 29 (see you tonight – hẹn gặp tối nay), G9 (good night – chúc ngủ ngon)...
Rồi thì đủ loại từ ngữ không hiểu nổi ”he he”, “ke ke”, “ka ka”, “oài”, “oạch”, “hic hic”, “ac ac” (ặc ặc)…vv, được đem ra xài vô tội vạ trong đời sống... Ai đó đã từng than phiền: “Không biết trả lời thế nào cũng kakaka, tỏ ý vui quá cũng kakaka, chán nản cũng kakaka... Rồi để diễn tả tâm trạng, người ta dần trở nên quen dùng hihi, haha, hehe... hơn cả những biểu hiện bình thường trên khuôn mặt - như thế có “bình thường” không?!”
“Nô lệ” máy móc và những “hệ lụy số”…
Trong "căn phòng" 1 mét vuông ở tiệm Net, gục mặt xuống bàn là có thể ngủ đến sáng hôm sau. (Ảnh: Thu Thảo) |
Những câu chuyện ấy, dường như ta gặp hàng ngày, nhưng ít khi để ý, hoặc giả không mấy quan tâm. Nhưng nó là một phần văn hóa của người trẻ đương đại. Tích cực có, xa rời thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống cũng có. Làm chủ công nghệ và thành “nô lệ số”, dường như là một ranh giới mỏng manh? Hay đó là cái giá tất yếu khi lớp trẻ hội nhập thời đại?
“Nhiều khi thấy mình bị lệ thuộc kinh khủng, một lần điện thoại hỏng không kịp đi sửa, mọi việc cứ rối tung lên, mới giật mình nhận ra từ lâu rồi đã không còn thói quen ghi nhớ trong đầu những việc cần làm nữa”, “ra đường mà điện thoại hết tiền? Thiếu tự tin hẳn! Một ngày không lên mạng vài tiếng? Thấy kém năng động lắm”… Đã hơn một lần Việt Hưng than phiền những lời như vậy!
Có mấy cô cậu trẻ măng, tôi đoán là sinh viên, có khi là học sinh cấp 3 chưa biết chừng - ngày nào cũng lên quán cafe Wi-Fi gần cơ quan tôi, nào là điện thoại đời cao, nào là Laptop xịn, không ngày nào không có mặt cười nói rôm rả. Nhưng để ý mới biết, các cô cậu chỉ ngồi "cop" đi "cop" lại vài bản nhạc chuông, share cho nhau mấy cái hình nền nhiều mầu sắc và … chat.
Hỏi chuyện, một cậu trong nhóm cười, "thời đại CNTT, phải thế này mới sành điệu, mới có khả năng tiếp cận được công nghệ chứ?" Nghe vậy tôi cũng vui, thầm trách mình suy nghĩ cổ hủ, bố mẹ các bạn có điều kiện trang bị cho các bạn phương tiện số nhằm tiếp cận những cái tiên tiến nhất, là đáng mừng lắm chứ? Tiếc là tôi không được mừng lâu, khi chứng kiến cảnh một cậu tranh cãi về số tiền thừa với nhân viên quán, nhẩm mãi không ra lại lôi điện thoại ra cộng cộng trừ trừ. Một người ngoại quốc lịch sự hỏi họ vài câu bằng tiếng Anh, cả nhóm ngơ ngác vì không hiểu và phá lên cười giễu cợt…
Những thói quen, những cái giá của sự xâm thực văn hóa truyền thống đến với người trẻ còn là chuyện nhỏ. Câu chuyện về những “hệ lụy số” đáng buồn mà một số người trẻ gặp phải mới thật đáng trăn trở.
Những cạm bẫy trong thế giới ảo
Một thanh niên trẻ dấu tên, mới đây đã có một bài viết gây chú ý trên về con đường dẫn dắt cậu trở thành một tội phạm công nghệ cao. Bài viết là 5 trang thư viết từ nhà giam, là những tâm sự đầy xúc động của một thanh niên tự nhận mình đã vướng vào những hệ lụy, những ma lực đen tối trong thế giới công nghệ cao.
Miệt mài và đắm chìm trong thế giới ảo, còn tương lai ư? Mặc kệ! (Ảnh: Thu Thảo) |
19 tuổi, cậu sinh viên ĐH BK TPHCM đam mê CNTT và có thiên khiếu trong tìm hiểu các vấn đề liên quan đến tấn công, xâm nhập trên mạng. Từ một lần tình cờ có được tài khoản “chùa” của người nước ngoài, cậu đã thử mua hàng qua mạng bằng số tài khoản đó. Mọi việc thành công, nhận thấy cơ hội kiếm tiền quá dễ dàng, người trẻ tuổi ấy đã liên tiếp sai lầm khi tìm mọi cách thử nghiệm, sau đó làm giả thẻ ATM rút hàng tỉ đồng tiền phi pháp để tiêu xài.
Chính cậu đã thừa nhận, quyền lực làm chủ công nghệ, “quyền lực điều khiển thông tin là một ma lực”, rất dễ đưa người ta đến sai lầm. Và cuối cùng chàng trai đã bị ma lực ấy điều khiển, đó là một hệ lụy tiêu cực mà không ai muốn xảy ra, nhưng những nguy cơ của nó hiện hữu. “Hy vọng câu chuyện của tôi sẽ thức tỉnh các bạn, hãy lấy bài học của tôi làm gương, vì tôi đang phải trả giá quá đắt” (trích nội dung bài viết).
Anh D.T. giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội cũng từng kể cho tôi nghe về một câu chuyện gây sốc. Một cô bé chưa tốt nghiệp cấp 3 có hoàn cảnh bố mẹ thường xuyên cãi vã và bị coi thường đã bỏ nhà đi hàng tháng trời, “dạt vòm” để sống trong thế giới ảo. Sẵn sàng online cả ngày trong cái vỏ bọc tự dựng lên là “một du học sinh ở Anh Quốc”, ngoan ngoãn xinh xắn, luôn được cộng đồng mạng, (trong đó có một nhóm bạn thân thiết quen nhau qua chat) – tôn trọng và yêu quý như cô công chúa nhỏ.
Và để có thể cả ngày sống trong thế giới ảo ấy, cô bé sẵn sàng ngồi lỳ ở quán chat cả ngày mà không có một đồng dính túi, vừa chat với nhóm của mình, cuối ngày cô vừa lên các phòng chat (room) khác kêu cứu “kẹt nét” và sẵn sàng đi theo người lạ, miễn là người đó trả tiền net, cho cô một chỗ ăn, chỗ ngủ và dăm bảy chục ngàn để ngày hôm sau… chat tiếp.
Nhiều người khẳng định, đó không phải là một trường hợp cá biệt, thực tế là đang có cả một lớp người trẻ như thế, trốn tránh hiện thực để sống trong thế giới ảo mà họ cảm thấy mình có địa vị, hoặc cảm giác tinh thần tốt hơn, bất chấp những hậu quả không lường trước được? Phải chăng, họ đang trở thành những “nô lệ số” trong giới trẻ?!
Thế Phong