Con robot bằng gỗ tạp ngộ nghĩnh, cao 120cm, tự động xúc lấy hai yến thóc rồi từ từ lăn đi trên bốn bánh xe sắt lọc xọc, theo lệnh điều khiển từ xa của chú học trò lớp 11 Trường phổ thông trung học bán công Nguyễn Khuyến ở huyện Văn Yên, Yên Bái...
Cha đẻ con robot này là Trần Trọng Cảnh ở thôn Thống Nhất, xã Yên Hợp, không chỉ được trao giải nhì Sáng tạo thanh - thiếu niên toàn quốc 2005-2006 mà còn được ghi danh trong đoàn tuổi trẻ nước ta tham dự Hội chợ sáng tạo tài năng trẻ Đông-Nam Á ở Singapore. Tuy nhiên nó còn thô nháp, đơn giản một thứ đồ chơi... công nghệ cao!
Anh Đỗ Hải Dương bên một sản phẩm robot của công ty. (Ảnh: Nhandan) |
Thực ra khả năng sáng tạo robot của người Việt đâu chỉ dừng ở mức đồ chơi, tiềm năng... mà đã thành công nghệ sản xuất những thiết bị tự động thực hiện những thao tác, quy trình được lập trình, nhưng hiện mới ở nước ngoài.
Cơ sở Electroselvo của Đỗ Hải Dương ở Công viên Trillium Business, bang Ontario, Canada, rộng tới 3.000 m2, luôn được các tập đoàn cỡ lớn như Thysen - Krupp, Michelin... tới giao dịch. Bởi ở đây chuyên thiết kế, sản xuất, lắp ráp các dây chuyền tự động cho các nhà máy công nghiệp.
Gốc Hà Nội tài hoa, nhưng Đỗ Hải Dương lại lớn lên ở TP thợ thuyền Hải Phòng. Nhà đông anh em, học xong phổ thông trung học Đỗ Hải Dương phải vào đời kiếm sống bằng nghề thợ điện. Không chỉ thể hiện tài năng những sáng kiến độc đáo hữu dụng trong nghề điện, Đỗ Hải Dương còn biến những linh kiện điện tử từ xác máy bay Mỹ thành những chiếc radio bán dẫn rất được chuộng thời đó. Bởi thế, Đỗ Hải Dương được nhà máy cử đi học Đại học Bách khoa Hà Nội. Đỗ kỹ sư, nhưng Đỗ Hải Dương vẫn cứ làm thợ để thêm thực tiễn nghề nghiệp và tính cách người thợ xông xáo.
Số phận run rủi thế nào cách đây hơn 30 năm, anh lưu lạc sang Canada bên kia Thái Bình Dương. Đương nhiên phải tiếp tục đời làm... thợ. Bởi cái bằng đại học của ta đâu có được các nước, nhất là các nước tiên tiến G7 công nhận. Nhưng tài năng của người thợ Việt Nam ấy cũng có dịp cũng bộc lộ. Chả là con robot chủ lực của nhà máy sinh tật không chịu hoạt động. Các kỹ sư tài ba nhất được trưng tập để bàn phương cách chữa chạy. Vừa khi các cuộc họp kỹ thuật chữa cháy nóng bỏng kết thúc cũng là lúc người thợ tài ba Việt Nam đã sửa xong con robot ấy.
Chẳng đặng đừng, công ty liền cử Đỗ Hải Dương sang Mỹ lắp ráp dây chuyền tự động cho một hãng ô-tô, nhưng phải giấu nhẹm danh tính và quốc tịch Việt Nam, bởi tính kỳ thị của ông chủ dự án. Tới ngày chạy thử, ngay đoàn kỹ thuật của hãng ô-tô Nissan lừng danh tự động hóa của Nhật sang tham quan cũng phải thán phục nhịp điệu đều đặn, nhẹ nhàng đưa các tấm thép dày vào đúng vị trí máy dập để tăm tắp ra sản phẩm nuột nà như in. Ông chủ Mỹ vui sướng hết cỡ hân hoan ôm chầm lấy anh. Trong vòng tay mãn nguyện ấy, Đỗ Hải Dương thủ thỉ ngọt như mía lùi "Mình vốn là V.C - Việt cộng đấy!".
Đúng chất người Việt, Đỗ Hải Dương xin nghỉ việc để tu nghiệp bậc đại học chuyên ngành máy - tin ngay trên đất Mỹ Trường đại học Toledo, bang Ohio. Tốt nghiệp, Đỗ Hải Dương liền được mời gia nhập Hiệp hội quốc gia kỹ sư chuyên nghiệp ở Mỹ (National society of professional enginers). Có thế, khi trở lại Canada Đỗ Hải Dương mới lập được công ty riêng Electroservo của mình, thoát kiếp làm thuê cho người ta.
Công việc bộn bề ngập đầu, những dự án mở rộng kinh doanh ra toàn bắc Mỹ sang Nhật... giữa năm 2006. Đỗ Hải Dương vẫn cứ thu xếp về quê nhà thăm thú. Nhu cầu về robot ở ta rõ ràng đã là một hiện thực cấp bách, nhưng giá nhập quá cao, trong khi tiềm năng tràn trề không được khơi dậy, can cớ chi lại không mở xưởng thiết kế, sản xuất robot ngay tại quê nhà! Riêng với lòng mình, Đỗ Hải Dương tự nhủ làm ăn đông tây thành đạt đến mấy cũng chẳng bằng chính nơi quê hương mình!
Liên hiệp quốc dự tính năm 2007, không dưới 4 triệu con robot được tiêu thụ trên thị trường thế giới. Đáp ứng nhu cầu này, Hàn Quốc thành lập Hội đồng quốc gia về robot.