U lồi xương răng khiến nhiều người lo sợ bị ung thư

  •  
  • 2.001

Khoảng 75% dân số Việt có u lồi hàm trên trong miệng, đa số lành tính nhưng một số ít có nguy cơ ung thư khẩu cái.

Hơn một năm nay, Trà (28 tuổi) xuất hiện cục u lồi, cộm lên ở nướu hàm trên và được chẩn đoán lồi xương răng, không cần điều trị. Cảm giác nuốt ngày càng bị ảnh hưởng, chị lo lắng đi kiểm tra.

Bác sĩ Trần Minh Thiệu ở Bệnh viện Trưng Vương cho biết, u lành tính khẩu cái cứng còn được gọi là lồi xương khẩu cái hay torus khẩu cái và torus hàm dưới. Đây không được xem là một biến đổi bệnh lý, song khi nó phát triển quá lớn làm ảnh hưởng đến các chức năng nhai, nuốt nói và cản trở điều trị phục hình chỉnh hình nha.

Theo bác sĩ Thiệu, tỷ lệ người Việt có torus khá cao. Nguyên nhân di truyền chiếm 70% với các yếu tố như chủng người, giới tính, gia đình. Môi trường chiếm 30% lý do gây bệnh.

Một trường hợp u lồi khẩu cái cứng.
Một trường hợp u lồi khẩu cái cứng. (Ảnh: denturaid).

Torus hàm trên là biến dạng thường gặp của xương khẩu cái, thường xuất hiện và phát triển sau tuổi 30 hoặc sớm hơn, sau nhiều năm thì ngưng phát triển. Theo các số liệu thống kê răng hàm mặt, ở Việt Nam 75% dân số có torus hàm trên trong miệng. Tỷ lệ có torus khẩu cái ở nữ là 73%, cao hơn so với nam. Vị trí của torus hàm trên thường thấy ở 1/3 giữa khẩu cái.

Tỷ lệ mắc torus hàm dưới thấp hơn, chiếm 3,6% dân số. Tỷ lệ này ở nam là 4,8%, nhiều hơn nữ với 3%. Hơn nữa nam vừa có torus khẩu cái vừa có torus hàm dưới với tỷ lệ cao gấp đôi nữ. Đối với torus hàm dưới, vị trí thường gặp nhất là vị trí ở mặt lưỡi đối diện với vùng răng cối nhỏ. Torus hàm dưới thường gặp nhất là ở hai bên, đối xứng nhau. Trường hợp torus một bên cũng không hiếm.

Theo bác sĩ Thiệu, đa số trường hợp lồi xương khẩu cái không cần điều trị. Chỉ định phẫu thuật khi cục u quá lớn làm chiếm không gian của lưỡi hoặc khi mang hàm răng giả, lưng lưỡi chạm hàm giả gây nôn. Phẫu thuật chỉ làm nhỏ lại nhưng vẫn bảo tồn hình dáng torus. Mổ trong các trường hợp lõm gây tích tụ thức ăn dưới hàm giả dẫn đến viêm mạn tính, làm người bệnh khó chịu...

Trong một số trường hợp, lồi xương khẩu cái có khả năng liên quan đến ung thư khẩu cái. Khi tổn thương có xuất hiện viêm loét chảy máu nên đi khám. Không hút thuốc lá, không nhai trầu, thực hiện vệ sinh răng miệng.

Cập nhật: 19/10/2016 Theo VnExpress
  • 2.001