Một nghiên cứu mới đây cho thấy nước chanh có thể dùng để chữa bệnh sỏi thận do nó giúp làm chậm sự hình thành của những viên sỏi mới.
“Khi điều trị cho các bệnh nhân tại trung tâm sỏi thận của mình, chúng tôi cho mọi người áp dụng liệu pháp uống nước chanh”, Steven Y. Nakada, giáo sư khoa tiết niệu tại Trường ĐH Wisconsin, Madison cho biết trong cuộc họp báo về nghiên cứu sỏi thận tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tiết niệu Mỹ (AUA) tổ chức ngày 23-5 ở Atlanta.
Những ai đã từng bị sỏi thận hẳn sẽ không thể nào quên được những cơn đau dữ dội đột ngột ở hông. Một vài bệnh nhân còn cho rằng cơn đau của căn bệnh này tương đương như khi người phụ nữ sinh con.
Sỏi thận hình thành khi các chất khoáng từ nước tiểu kết tinh và tạo thành sỏi bên trong thận. Ở đa số người bình thường, nước tiểu có chứa một loại hợp chất muối kali (potassium citrate) chống việc hình thành sỏi, tuy nhiên một số người lại có rất ít chất này và do đó có nguy cơ bị sỏi thận cao.
Thường để trị bệnh sỏi thận, các bác sĩ kê toa cho bệnh nhân dùng potassium citrate dưới dạng viên hay dạng chất lỏng.
Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Nakada và đồng nghiệp đã cho các bệnh nhân uống nước chanh ít đường. Họ phát hiện nước chanh làm tăng lượng muối citrate trong nước tiểu đến mức được cho là có khả năng ngăn hình thành sỏi thận. Nó hoạt động hoàn toàn không như potassium citrate nhưng đối với những bệnh nhân cần thiết phải tránh dùng thuốc thì nước chanh là liệu pháp thay thế lý tưởng.
Các nhà khoa học tại Trường ĐH Duke qua nghiên cứu cũng phát hiện trên 90% bệnh nhân uống nước chanh hàng ngày đã cải thiện được lượng potassium citrate trong nước tiểu. Ở những bệnh nhân uống nhiều nước chanh, sỏi của họ cũng nhỏ đi.
Ngoài nước chanh, các nhà nghiên cứu cũng khuyên nên ăn ít muối và ít thịt trong mỗi bữa ăn để phòng chống sỏi thận.
TƯỜNG VY