Vách đá xói mòn để lộ hóa thạch 15 triệu năm tuổi

  •  
  • 694

Các nhà khoa học nhanh chóng khai quật hóa thạch hai con cá heo cổ đại để chuyển tới bảo tàng khi thấy chúng có nguy cơ sắp hư hại. 

Kiểm lâm và các nhà cổ sinh vật học từ Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ (NPS) phối hợp khai quật hóa thạch cá heo trên vách đá ven biển, gần sông Potomac, bang Virginia, hôm 16/3. Trong những năm gần đây, kiểm lâm thường xuyên theo dõi các hóa thạch lộ ra khi vách đá xói mòn nhanh. Một số hóa thạch chỉ nhìn được một phần nhỏ vào năm ngoái đã lộ ra nhiều hơn trong năm nay.

Stephen Godfrey nghiên cứu hộp sọ của con cá heo thứ hai.
Stephen Godfrey nghiên cứu hộp sọ của con cá heo thứ hai. (Ảnh: NPS).

Khi xem xét ảnh chụp, các nhà cổ sinh vật học Vincent Santucci, Justin Tweet (Chương trình Khảo cổ NPS) và Stephen Godfrey (Bảo tàng Biển Calvert), xác định được những mẩu xương hóa thạch của một con cá heo cổ đại. Nhận thấy các mẫu vật quan trọng này đứng trước nguy cơ bị hư hại và cuốn trôi, họ quyết định nhanh chóng tiến hành khai quật.

Đội phản ứng nhanh gồm kiểm lâm và các nhà cổ sinh vật học tới vách đá ven biển để "giải cứu" hóa thạch. Trong lúc làm việc, họ phát hiện hộp sọ hoàn chỉnh hơn của con cá heo thứ hai, cách không xa con đầu tiên. Mẫu vật thứ hai này cũng có nguy cơ bị hư hại nên nhóm chuyên gia quyết định khai quật cùng lúc với mẫu vật thứ nhất.

Dưới chỉ dẫn của tiến sĩ Godfrey, các hóa thạch được tách ra thành công từ lớp trầm tích. "Tôi rất hào hứng khi được làm việc cùng NPS và khai quật hóa thạch hai con cá heo 15 triệu năm tuổi", tiến sĩ Godfrey chia sẻ.

"Mẫu vật thứ nhất gồm xương sống, xương sườn và một phần sọ. Mẫu vật thứ hai là hộp sọ gần như hoàn chỉnh. Nó được bao bọc trong trầm tích cứng một cách bí ẩn, giúp bảo quản gần như nguyên vẹn nhưng cũng khiến việc khai quật trở nên khó khăn hơn. Hộp sọ của loại cá heo này có mũi đặc biệt dài, dùng để bắt con mồi, ví dụ như cá", ông giải thích.

Sau khi khai quật, nhóm chuyên gia đưa hóa thạch cá heo lên tàu. Chúng sẽ được chuyển tới Bảo tàng Biển Calvert để bảo quản và nghiên cứu. Các nhà khoa học cho rằng chúng thuộc về một họ cá heo mũi dài đã tuyệt chủng, từng sống gần bờ biển Đại Tây Dương trong thế Trung Tân, thời kỳ kéo dài từ 22 - 8 triệu năm trước.

Cập nhật: 28/03/2020 Theo VnExpress
  • 694