Từ khi con người bắt đầu phóng tên lửa vào không gian, các mảnh vỡ từ vũ trụ đã quay lại Trái đất ở nhiều địa điểm bất ngờ.
Vì bề mặt Trái đất phần lớn là biển và các vùng đất không có người sinh sống, khả năng mảnh vỡ từ vũ trụ rơi vào nhà người dân là rất nhỏ khi xét từ góc độ thống kê học. Nhưng điều này không phải chưa bao giờ xảy ra, Washington Post cho biết ngày 9/5.
Người dân tại Brazil đang xem xét mảnh vỡ được cho là thuộc về tàu vũ trụ châu Âu vào năm 2014. (Ảnh: Getty).
Hiện tượng mảnh vỡ từ vũ trụ rơi xuống đất và gây thiệt hại lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1969. Năm ấy, các nhà ngoại giao Nhật Bản thông báo với Liên Hợp Quốc về một vật thể không xác định từ vũ trụ rơi xuống và va chạm với tàu hàng Nhật đang di chuyển ngoài khơi Siberia (Nga).
Vụ va chạm làm 5 thành viên thủy thủ đoàn bị thương nghiêm trọng. Ít lâu sau, tàu của Liên bang Xô Viết lúc đó đã xuất hiện để tìm kiếm mảnh vỡ.
Quan chức Nhật Bản cho biết mảnh vỡ được các chuyên gia nhận định là bộ phận của tàu vũ trụ Xô Viết. Tuy nhiên, thông tin này ban đầu được Tokyo giữ kín vì không muốn phát sinh mâu thuẫn với Moscow, theo AP.
Sự nguy hiểm của vật thể từ vũ trụ được thể hiện rõ vào năm 1978, khi Cosmos 954, vệ tinh chạy bằng năng lượng nguyên tử của Liên bang Xô Viết, rơi xuống Trái đất. Sự việc khiến các mảnh vỡ chứa phóng xạ rải khắp bang Northwest Territories, tỉnh Alberta, và tỉnh Saskatchewan của Canada.
Sau sự việc, chính quyền Canada tổ chức “Chiến dịch Ánh sáng Ban mai” quy mô lớn nhằm tìm kiếm những mảnh vật liệu phóng xạ tí hon rơi xuống vùng đài nguyên Bắc Cực. Chi phí cho chiến dịch này là gần 14 triệu CAD (tương đương 11,5 triệu USD).
Một mảnh vỡ của vệ tinh Cosmos 954. (Ảnh: United States Department of Energy).
Canada đòi Liên bang Xô Viết lúc đó bồi thường số tiền 6 triệu CAD (tương đương 5 triệu USD) nhưng Moscow sau cùng chỉ trả một nửa con số ấy.
Năm 1979, Skylab - trạm vũ trụ đầu tiên của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) - vỡ vụn trong lúc trở lại khí quyển Trái đất. Sự việc khiến nhiều mảnh vụn rơi khắp thị trấn nông trại Esperance của bang West Australia, Australia.
Trạm vũ trụ Skylab do lượt phi hành đoàn cuối cùng chụp ảnh trước khi vỡ vụn vào ngày 11/7/1979. (Ảnh: NASA).
“Đó là màn trình diễn bắn pháo hoa đẹp nhất mà bạn sẽ được chứng kiến”, Brendan Freeman, một nông dân về hưu, miêu tả với ABC.
Các mảnh vụn không gây ra thiệt hại lớn nhưng để đùa vui, nhà chức trách thị trấn Esperance viết giấy phạt NASA 400 USD vì hành vi xả rác. NASA không trả tiền phạt, có thể là do sợ tạo ra tiền lệ bất lợi.
Đến năm 2009, một DJ tại thành phố Barstow, bang California (Mỹ) kêu gọi gây quỹ và mang tiền phạt tới trả cho thị trấn Esperance.
Một sớm cuối tuần năm 1987, một thợ cơ khí máy bay về hưu sống tại thị trấn gần Rừng Quốc gia Mendocino, thuộc phía bắc California, nghe thấy tiếng động lớn như tiếng súng bên ngoài cửa sổ phòng ngủ. Sau hồi tìm kiếm, ông phát hiện mảnh kim loại cháy xém dài hơn 2 m nằm tại con ngõ cạnh nhà.
Chuyên gia phân tích thuộc Không quân Mỹ xác định vật này nhiều khả năng là một mảnh vỡ rơi ra từ tên lửa Liên Xô. Tên lửa này trước đó đã được trông thấy bay ngang bầu trời trong lúc bị thiêu đốt và rơi xuống Trái đất.
“Thật thú vị vì những chuyện như thế không mấy khi xảy ra quanh đây”, Maggie Pickle, hàng xóm của người thợ cơ khí, nói với AP.
Lottie Williams giơ cao một mảnh vỡ rơi trúng vai mình từ tên lửa U.S. Delta II vào năm 1997. (Ảnh: Tulsa World).
Một buổi sáng năm 1997, Lottie Williams đang đi dạo với bạn bè tại công viên thành phố Tulsa thì nhìn thấy vật gì đó như sao chổi vạch ngang bầu trời. Vật này rơi trúng vai bà Williams nhưng lực tác động rất nhẹ, gần như không gây cảm giác.
Vật này được các nhà khoa học xác định rất có thể là một mảnh của tên lửa U.S. Delta II. Mảnh vỡ được bà Williams giữ lại làm kỷ niệm.
“Tôi phải rất may mắn thì mảnh vỡ mới nhẹ như vậy. Đó là một trong những điều kỳ lạ nhất từng xảy ra với tôi”, bà Williams kể với NPR trong cuộc phỏng vấn nhiều năm sau.
Năm 2003, tàu con thoi Columbia của Mỹ vỡ vụn trong lúc quay trở lại khí quyển, khiến 7 phi hành gia trên tàu thiệt mạng. Ở những nơi mảnh vụn của tàu con thoi chạm đất, người ta dựng đài tưởng niệm tạm thời cho phi hành đoàn.
Người dân ở vùng nông thôn dọc biên giới bang Texas-Louisiana cho biết đã nhìn thấy các mảnh vỡ của con tàu rơi xuống một bể trữ nước hoặc xuyên qua mái nhà của một phòng nha khoa. Có người còn cố bán một mảnh vỡ trên trang thương mại điện tử eBay với giá 10.000 USD.
Cuối cùng, 84.000 mảnh vỡ từ con tàu gặp nạn được thu thập sau cuộc tìm kiếm diện rộng tại các vùng đầm lầy, rừng cây, và đồng cỏ. Những mảnh vụn này được dùng để tái dựng con tàu và xác định nguyên nhân thảm họa.
Tháng 5/2020, một tên lửa Trường Chinh 5B khác của Trung Quốc cũng rơi xuống Trái đất. Tên lửa này thoạt đầu được cho là rơi xuống Thái Bình Dương, nhưng một số người cho biết nghe thấy tiếng nổ siêu âm và nhìn thấy các mảnh vỡ kim loại rơi xuống từ trên trời. Điều này cho thấy một số bộ phận của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống làng Mahounou, thuộc Bờ Biển Ngà.
Buổi phóng tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc vào cuối tháng 4 tại tỉnh Hải Nam. (Ảnh: Getty).
Tuy vậy, không có báo cáo thương vong về người sau sự việc. Việc phát hiện mảnh ống dài hơn 12 m dường như cũng giúp khu vực này nhận được nhiều sự chú ý hơn.
Sự cố liên quan tới rác thải vũ trụ gần đây nhất xảy ra chỉ hơn một tháng trước, khi tên lửa của công ty hàng không vũ trụ tư nhân SpaceX phát nổ trên bầu trời vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Vụ nổ tạo ra “màn trình diễn ánh sáng”, khiến một số người ban đầu lầm tưởng đây là mưa sao băng, theo The Verge.
Một mảnh thiết bị từ tên lửa rơi vào nông trại ở bang Washington, để lại vết hằn sâu hơn 12 cm trên nền đất, The Verge đưa tin. Một vật tương tự cũng được ngư dân phát hiện tại bờ biển bang Oregon vài ngày sau đó, nhưng nhà chức trách chưa xác nhận đây có phải mảnh vỡ từ tên lửa của SpaceX hay không.