Cho đến nay con người vẫn chưa thể lý giải nổi về sự xuất hiện của loại cây này.
Trên hành tinh mà chúng ta đang sống, có vô vàn điều kỳ lạ diễn ra mà ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể giải thích nổi. Trong số đó, nổi tiếng hơn cả là cây huyết rồng độc đáo bậc nhất thuộc đảo Socotra.
Đảo Socotra là một phần của quần đảo ngoài khơi Yemen và Somalia. Nơi đây thường được ví như một hành tinh xa lạ bởi nó chứa thảm thực vật độc đáo và thú vị hơn bất kỳ chỗ nào khác. Đảo Socotra còn được gọi là một phần "thế giới bị mất đi" bởi người dân của nhiều quốc gia chưa bao giờ nghe nói về nó và không biết về những điều kỳ diệu mà hòn đảo này sở hữu.
Đảo Socotra thuộc nước Cộng hòa Yemen, là một phần của Ấn Độ Dương. Những người dân sống trên đảo cũng có một nền văn hóa và ngôn ngữ riêng biệt. UNESCO đã chỉ định khu vực này là khu bảo tồn MAB (Con người và Sinh quyển).
Những du khách đến đây đa phần là các nhà nghiên cứu khoa học và những người quan tâm đến du lịch sinh thái. Socotra rất được giới khoa học coi trọng khi nó là một trong những nơi hiếm hoi có tính đa dạng sinh học với hệ động thực vật phong phú và khác biệt: 90% loài bò sát và 95% loài ốc trên cạn của hòn đảo này không xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Mọi cảnh vật ở Socotra đều độc đáo, đặc biệt.
Socotra bị cô lập địa chất lâu dài và điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã tạo ra một hệ thực vật vô cùng ngoạn mục, độc nhất vô nhị. Theo nghiên cứu của Trung tâm khảo cứu cây trồng Trung Đông có đến 307.825 (tức 37%) các loài thực vật ở đây là loài đặc hữu. Trong đó có đến 27 loài vô cùng quý hiếm được liệt vào trong Sách Đỏ đang được bảo vệ.
Đảo Socotra khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên với hơn 800 loài thực vật và động vật mà bạn không tìm thấy ở bất ỳì đâu trên hành tinh này. Một trong những loài thực vật đặc biệt nhất của quần đảo này là cây huyết rồng.
Cây huyết rồng (Dracaena draco) có hình dáng bên ngoài giống như một chiếc ô. Quá trình hình thành và sinh trưởng của nó cũng vô cùng đặc biệt. Khi cây còn nhỏ, chúng chỉ có một thân đơn độc.
Sau khoảng 10 tới 15 năm, thân cây ngừng phát triển và những bông hoa màu trắng có mùi thơm như hoa loa kèn xuất hiện. Nhiều quả mọng được nhìn thấy khi hoa tàn, sau đó những chồi non bật lên và cây bắt đầu phân nhánh.
Mỗi nhánh sinh trưởng khoảng 10 tới 15 năm rồi lại tiếp tục sinh ra những nhánh cấp hai. Sau đó các nhánh cấp hai lại sinh thêm các nhánh khác. Chúng phải mất tới 10 năm để đạt chiều cao chừng 120 cm. Nhưng sau đó chúng sẽ phát triển nhanh hơn.
Điểm độc đáo nhất của loại cây này đó là nhựa của nó có màu đỏ như máu, chua và hơi nồng. Vì thế người ta gọi chúng là cây huyết rồng. Theo truyền thuyết, cây huyết rồng đầu tiên được sinh ra từ máu của một con rồng bị thương khi chiến đấu với voi. Kể từ đó, nhựa của loài thực vật này có màu đỏ như màu máu và đặt tên là "cây huyết rồng".
Cây huyết rồng có hình dạng giống như một chiếc ô khổng lồ.
Nhựa của loài cây này không chỉ có màu lạ mà còn mang lại nhiều lợi ích cho con người. Từ thời La Mã cổ, nhựa của cây huyết rồng đã được ca tụng và ứng dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày.
Theo Global Trees Campaign, người dân đảo Socotra sử dụng quả của cây máu rồng làm thức ăn cho bò và dê. Tuy nhiên, họ chỉ sử dụng một lượng ít. Nhựa cây còn có công dụng chữa bệnh theo dân gian như làm lành vết thương, bồi bổ sức khỏe, trở thành thuốc nhuộm, làm mỹ phẩm hay tạo nên lớp sơn của những cây đàn violin Stradivarius nổi tiếng.
Cây huyết rồng hiện là là biểu tượng đáng tự hào của đảo Socotra. Tuổi thọ của cây có thể lên tới hàng trăm năm nhưng loài này đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn bởi nhiều nguyên do khác nhau. Các nhà khoa học dự báo đến năm 2080, 45% môi trường sống lý tưởng của cây huyết rồng có thể mất đi.
IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) xếp tình trạng quần thể của cây huyết rồng là "sẽ nguy cấp" vào năm 2004. Và cho đến này tình trạng của loại cây này đang ở mức đáng báo động.
Một phần nguyên nhân xuất phát từ thực trạng biến đổi khí hậu. Cây huyết rồng sẽ phát triển mạnh mẽ khi có đủ nước nhưng thật không may, khí hậu của đảo Socotra đang trở nên khô hơn.
Bên cạnh đó, việc khai thác nhựa và sử dụng cây làm củi, khách du lịch đến đây ngày càng đông đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây huyết rồng. Người dân trên đảo vẫn có cuộc sống còn khó khăn nên việc bảo tồn loài cây quý giá này càng đối mặt với nhiều thách thức.
Việc bảo vệ cây huyết rồng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Điều rất đáng lo ngại là hầu hết các cây huyết rồng trên đảo Socotra đều ở độ tuổi đã trưởng thành. Việc tái sinh tự nhiên của loài này hiện rất mong manh. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng thay đổi thực trạng trên bằng cách trồng cây con trong các khu bảo tồn. Họ cũng đang nghiên cứu cuộc sống trên đảo và đề xuất các phương pháp bảo tồn thích hợp.
Hy vọng rằng với những nỗ lực để bảo tồn ở trên, những sinh vật độc đáo trên đảo Socotra cũng như nền văn hóa con người đặc trưng nơi đây sẽ đạt kết quả như mong muốn. Thực vật và động vật trên đảo là một đóng góp tuyệt vời cho sự đa dạng sinh học trên thế giới của chúng ta.