Vệ tinh NASA gây hại, Mỹ phải bồi thường

  •  
  • 1.036

Quốc gia nào có mảnh vụn vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) rơi và gây hại rạng sáng nay (24-9 giờ Hà Nội), có thể sẽ được Chính phủ Mỹ bồi thường theo luật quốc tế, theo hãng tin Pháp AFP.

>>> Quay được cảnh vệ tinh của NASA đang rơi trong vũ trụ
>>> Video vệ tinh của NASA đang rơi trong vũ trụ

Theo tính toán, các mảnh vụn Vệ tinh Nghiên cứu Thượng tầng Khí quyển (UARS) của NASA nặng 6,5 tấn, trong đó có mảnh kích thước tương đương xe bus du lịch, rơi xuống Trái đất, trải dài trên một vùng vĩ độ rộng lớn từ 57 độ bắc đến 57 độ nam.

Lãnh thổ Việt Nam nằm trong vùng có thể bị khoảng 26 mảnh vỡ lớn của vệ tinh UARS rơi xuống. Thành phần chính của các mảnh vỡ này là titanium, thép không gỉ và beryllium.

Mô phỏng đường rơi của UARS (ảnh nhỏ) xuống Trái đất rạng sáng thứ bảy. (Nguồn: NASA)
Mô phỏng đường rơi của UARS (ảnh nhỏ)
xuống Trái đất rạng sáng thứ bảy. (Nguồn: NASA)

Dẫn lời một giáo sư luật vũ trụ Mỹ, AFP cho hay, Mỹ có thể phải bồi thường cho bất cứ quốc gia nào bị mảnh vụn vệ tinh NASA đâm xuống và gây hại.

“Mức bồi thường có thể không có giới hạn”, GS Frans von der Dunk thuộc Khoa Luật, Đại học Nebraska-Lincoln, trích dẫn Công ước Trách nhiệm Pháp lý năm 1972 mà Mỹ là một trong 80 quốc gia thành viên. Công ước này, mà Việt Nam cũng là thành viên, quy định trách nhiệm pháp lý đối với thiệt hại gây ra bởi các vật thể nhân tạo trong vũ trụ.

Các thiệt hại được nêu cụ thể là thiệt hại về sinh mạng, thương tích, hay tổn hại về sức khỏe, hoặc thiệt hại về tài sản quốc gia cũng như của cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, việc vệ tinh lớn nhất của NASA trong vòng 30 năm nay (đường kính 4,5m, dài trên 10m) rơi xuống Trái đất dấy lên tranh luận về nhóm các nước không là thành viên Công ước Trách nhiệm Pháp lý năm 1972 liệu có được bồi thường không nếu bị thiệt hại.

“Chắc chắn đây sẽ là vấn đề gai góc nếu tình huống đó xảy ra, nhất là khi số lượng quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi cú đâm của vệ tinh UARS rạng sáng 24-9 là rất nhiều xét về mặt lý thuyết”, GS Dunk lưu ý.

Việt Nam không có thông tin

NASA thừa nhận không thể biết chính xác 26 mảnh vụn lớn của UARS sẽ rơi xuống địa điểm nào của Trái đất cho đến hai tiếng trước khi chúng chạm mặt đất. Kể từ khi AURS hết nhiên liệu, NASA không còn điều khiển được nó.

Thời điểm và địa điểm rơi của chúng phụ thuộc rất nhiều yếu tố khí quyển vốn thay đổi hằng ngày của Trái đất cũng như của bão từ trên mặt trời. Thời điểm rơi hôm nay của vệ tinh AURS xảy ra sớm hơn do với dự kiến của NASA khoảng vài giờ.

“Để giám sát được như thế, NASA phải có mạng lưới radar quan sát dày đặc mà hiếm nước nào có được”, ông Vũ Trọng Thư, thành viên nhóm nghiên cứu vệ tinh nhỏ ở FPT, nói. Theo ông Thư, cách duy nhất để đề phòng là theo dõi thông báo mới nhất trên trang chủ của NASA.

Ông Trần Tiến Bình, Ban Lịch Nhà nước thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, khẳng định, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực không có bất cứ phương tiện hoặc thiết bị đo nào giúp giám sát quỹ đạo rơi của các mảnh vụn vệ tinh UARS.

Nếu rơi lúc rạng sáng, mặt trời chưa mọc, ở Việt Nam có thể quan sát được bằng kính thiên văn các mảnh vụn rơi do chúng bị đốt cháy trong khí quyển, thậm chí, có thể quan sát bằng mắt thường nếu chúng rơi xuống lãnh thổ Việt Nam.

Theo Tiền Phong
  • 1.036